Năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với tổng giá trị phát hành đạt 466,696 nghìn tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm trước. Trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm 431,782 nghìn tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ, trong khi phát hành công chúng đạt 34,914 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6%. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trong sự gia tăng này, chiếm tới 70% tổng giá trị phát hành. Theo báo cáo của VNDIRECT, từ quý II đến quý IV, các tổ chức tín dụng liên tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu với kỳ hạn từ 3 đến 10 năm nhằm đảm bảo tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
![]() |
Những áp lực lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025. |
Bên cạnh sự gia tăng phát hành, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng diễn ra sôi động. Trong quý IV/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được mua lại trước hạn đạt hơn 70,600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với giá trị mua lại đạt 54,280 tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng giá trị mua lại trước hạn. Xếp sau là nhóm bất động sản, với giá trị mua lại đạt 10,680 tỷ đồng, tăng mạnh 119% so với quý III và chiếm 15% tổng giá trị mua lại trong quý IV.
Mặc dù thị trường có sự tăng trưởng đáng kể, quy mô trái phiếu doanh nghiệp vẫn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Ước tính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 đạt khoảng 35% GDP của Việt Nam, thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp vẫn đối diện khó khăn về dòng tiền, hạn chế tiếp cận nguồn vốn, dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của VNDIRECT, đến cuối năm 2024, có hơn 90 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.
Bước sang năm 2025, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ gia tăng, đặc biệt trong hai quý cuối năm. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn ước đạt khoảng 203 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2024. Trong đó, hơn 62 nghìn tỷ đồng là các trái phiếu đã được gia hạn thêm kỳ hạn, chiếm 30,6% tổng giá trị đáo hạn. Nhóm bất động sản chịu áp lực lớn nhất với giá trị đáo hạn hơn 130 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị, tiếp theo là nhóm tài chính - ngân hàng với hơn 33 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,3%.
Theo chuyên gia Nguyễn Bá Khương của VNDIRECT, bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều dự án chậm được tháo gỡ pháp lý, khiến khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực này kéo dài. Do đó, dòng tiền và áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn sẽ là thách thức lớn trong năm 2025. Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phục hồi từ năm 2023 và 2024 nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, nhưng để đạt được sự bứt phá bền vững, vẫn cần nhiều giải pháp toàn diện và hiệu quả hơn.