Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn thờ ơ với mục tiêu phát triển bền vững

00:00 12/10/2020

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu triển khai nhiều chương trình ứng phó với những biến động bên ngoài để phát triển bền vững, nhưng tỷ trọng thực hiện còn chưa đồng đều và nhiều đơn vị vẫn khá thờ ơ.

Sáng 8/11 Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững: Báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững”.

Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy - Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Nó kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

Cũng theo bà Thủy, mục tiêu phát triển bền vững tổng quát đến năm 2030 là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Mặc dù vậy, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về các mục tiêu phát triển bền vững. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ, không coi trọng, xem báo cáo phát triển bền vững là vấn đề nằm ngoài hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu mà Chính phủ đã ban hành trong Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững đến năm 2030. Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Chính phủ cũng xác định rõ là trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp chính quyền, bộ ngành, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp…Doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, cung cấp nguồn lực tài chính bổ sung cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế và nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài bị thu hẹp”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm đến phát triển bền vững

Ông Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Theo đó, phân công rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) từ Trung ương đến địa phương bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Ảnh hội thảo sáng 8/11

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam được lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Các mục tiêu tổng quát bao gồm: duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng đó, đảm bảo mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng một xã hội hòa bình và thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng văn minh và bền vững.

Tuy nhiên, ông Đình cũng cho hay, trong quá trình thực hiện, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn lực tài chính. Mức độ kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, cũng như năng lực thống kê phục vụ giám sát theo dõi thực hiện phát triển bền vững còn hạn chế.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI, một trong những thông tin nổi bật qua khảo sát từ cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đã có 80% các doanh nghiệp được khảo sát đã thẩm thấu tinh thần của 17 mục tiêu phát triển bền vững và đưa vào chiến lược kinh doanh và cạnh trạnh của doanh nghiệp. Cùng với đó, 63% doanh nghiệp triển khai những chương trình như ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện doanh nghiệp đã giành nhiều nguồn lực để thực hiện phát triển bền vững, nhưng tỷ trọng chưa đồng đều.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, nếu như những năm trước các doanh nghiệp tham gia khảo sát về phát triển bền vững chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì nay đã có nhiều hơn những đơn vị trong nước.

Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển.

Minh Ngọc