![]() |
Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu. |
Sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu trong nước. Đây là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025) và hướng tới Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho biết: Cách đây tròn 70 năm, vào ngày 13/5/1955, Hải Phòng Chính thức được giải phóng, mở ra một trang sử mới trong hành trình xây dựng, phát triển và hội nhập. Nhớ lại thời khắc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động viết: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân…”. Suốt 70 năm qua, với truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, Hải Phòng luôn tiên phong, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, là một cực tăng trưởng năng động, sáng tạo của đất nước, nhất là trong thời kỳ đổi mới.
Hôm nay, trong không khí hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng, đón nhận danh hiệu “Thành phố Anh hùng” và tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025, Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “70 năm xây dựng và phát triển Hải Phòng – Thành tựu và khát vọng vươn mình”. Đây là dịp đặc biệt quan trọng để chúng ta cùng nhau nhìn lại hành trình lịch sử, ghi nhận những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, quân và dân thành phố đã đạt được; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thách thức, xác định các giải pháp và định hướng để đưa Hải Phòng phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong giai đoạn mới.
![]() |
Ảnh toàn cảnh |
Từ thực tiễn phát triển, Bí thư Thành ủy đề nghị tập trung vào 6 nhóm nội dung trọng tâm: nhận diện mô hình, điểm nghẽn và giải pháp phát triển; cải cách tổ chức bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư; đề xuất cơ chế đặc thù; và học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các đô thị như Singapore, Thượng Hải, Seoul…
Đặc biệt theo đánh giá của lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng, việc sáp nhập sẽ giúp mở rộng gấp đôi diện tích và dân số, đưa tổng quy mô kinh tế vùng lên vị trí thứ 3 cả nước. Thậm chí, với chiến lược phát triển đúng hướng, Hải Phòng hoàn toàn có thể vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 Việt Nam trong vòng 10 – 20 năm tới, chỉ sau TP.HCM.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng, khẳng định: “Đây là thời khắc có tính lịch sử. Việc sáp nhập không chỉ đơn thuần là tái cấu trúc hành chính mà còn là cú hích để xây dựng một siêu đô thị hiện đại, năng động, có sức cạnh tranh quốc tế.”
Ban Tổ chức đã nhận được 21 tham luận tâm huyết của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Trung ương và thành phố.
Các tham luận đã đề xuất với thành phố những lĩnh vực cơ bản như quyết tâm chính trị, những quyết sách nhằm tạo những đột phá trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị, khoa học công nghệ,...