![]() |
Hưng Yên - Thái Bình: Bức tranh kinh tế trước thềm sáp nhập |
Việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đang tiến gần hơn bao giờ hết sau khi đa số cử tri bày tỏ sự đồng thuận cao. Phương án hợp nhất giữ tên tỉnh là Hưng Yên, với trung tâm hành chính - chính trị đặt tại Hưng Yên, mở ra kỳ vọng về một cực tăng trưởng mới tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo kết quả lấy ý kiến đại diện hộ gia đình, toàn tỉnh Hưng Yên có 97,37% cử tri đồng ý với phương án hợp nhất và 97,12% đồng ý với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Tại Thái Bình, tỷ lệ này lần lượt là 97,73% và 98,11%.
Đây là bước tiến lớn, thể hiện sự đồng thuận xã hội, tạo nền tảng pháp lý và tâm lý vững chắc cho quá trình hợp nhất.
Hưng Yên: "Ngôi sao công nghiệp" mới nổi
Những năm gần đây, Hưng Yên nổi lên như một trung tâm công nghiệp năng động phía Bắc, nhờ vào vị trí chiến lược gần Hà Nội, hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.
Năm 2024, tỉnh ghi nhận mức thu hút đầu tư kỷ lục gần 4 tỷ USD, với 180 dự án mới từ nhiều tập đoàn quốc tế như Nitto, Molex, Arizon. Hiện toàn tỉnh có 2.371 dự án còn hiệu lực với tổng vốn hơn 370.000 tỷ đồng và 8,5 tỷ USD.
Hưng Yên sở hữu 12 khu công nghiệp (KCN) lớn như Phố Nối A, Thăng Long II, Yên Mỹ,... và đang tiếp tục mở rộng quy mô. Với việc phát triển mạnh mẽ các tuyến giao thông liên vùng như đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hưng Yên không ngừng nâng cao khả năng kết nối và vận chuyển hàng hóa.
Thái Bình: Bứt phá nhờ kinh tế biển
Thái Bình, tỉnh ven biển có đường bờ biển dài hơn 52 km, đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình rộng hơn 30.583 ha, định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng và dịch vụ ven biển lớn.
Hiện tỉnh có 11 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.700 ha và 369 dự án đầu tư tại Khu kinh tế Thái Bình, với tổng vốn đăng ký khoảng 208.000 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2025, Thái Bình kỳ vọng thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 22%. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại với các tuyến đường ven biển, đường kết nối liên vùng, chuẩn bị cho sự hình thành của các tuyến cao tốc chiến lược.
Sự kết hợp mở ra cơ hội mới
Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Hưng Yên mới sẽ có diện tích hơn 2.514 km² và dân số trên 3,56 triệu người, trở thành một trong những địa phương có quy mô lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng.
Sự hội tụ của thế mạnh công nghiệp từ Hưng Yên với tiềm năng kinh tế biển và nông nghiệp từ Thái Bình hứa hẹn tạo nên một nền kinh tế đa ngành bền vững, linh hoạt, tận dụng tối đa nguồn lực, đất đai và vị trí địa lý chiến lược.
Cùng với bề dày văn hóa - lịch sử phong phú từ Phố Hiến của Hưng Yên đến các làng nghề truyền thống Thái Bình, sự kết hợp này còn mở ra tiềm năng lớn trong phát triển du lịch văn hóa và sinh thái.
Việc hợp nhất còn nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các kế hoạch phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch quy mô lớn trong tương lai, phù hợp với chủ trương chung về sắp xếp đơn vị hành chính của Trung ương.
Hưng Yên và Thái Bình, khi "về chung một nhà", không chỉ tăng sức mạnh về quy mô mà còn tạo dựng hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội mới cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.