Bài liên quan |
Bình Dương và Đồng Nai sắp có thêm 6 cầu đường bộ vượt sông |
Bình Dương triển khai chiến lược phát triển hệ thống du lịch đến năm 2050 |
Nhiều tập đoàn lớn, có thương hiệu toàn cầu như Lego, Pandora, Warburg Pincus, Sembcorp Tokyu, CapitaLand Development… đã và đang góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của kinh tế Bình Dương.
Ngay trong những tháng đầu năm 2025, tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án FDI với tổng vốn gần 1 tỷ USD — một tín hiệu tích cực cho dòng vốn ngoại tiếp tục “chảy mạnh” vào Bình Dương. Trong đó, ngoài các dự án mới như Nhà máy Timotion Việt Nam (29 triệu USD) hay dự án của Công ty TNHH Axman Việt Nam (24 triệu USD tại KCN VSIP 3), nhiều doanh nghiệp đã tăng vốn đáng kể như Cheng Loong Bình Dương Paper (tăng 50 triệu USD) hay Deneast Việt Nam (tăng hơn 40 triệu USD).
![]() |
Bình Dương: Điểm đến của dòng vốn FDI chất lượng, hướng tới tăng trưởng xanh |
Một dấu mốc đáng chú ý là việc Tập đoàn Lego (Đan Mạch) chính thức khánh thành nhà máy tại KCN VSIP 3 vào tháng 4. Nhà máy không chỉ tạo hơn 4.000 việc làm mà còn giúp lao động trẻ tiếp cận kỹ năng hiện đại và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Tại cùng KCN này, Pandora — tập đoàn trang sức lớn nhất thế giới — cũng đang khẩn trương xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên ngoài Thái Lan, dự kiến hoạt động từ năm 2026 với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD.
Sự xuất hiện của những tập đoàn tên tuổi quốc tế tại KCN VSIP 3 không chỉ khẳng định sức hút của tỉnh, mà còn phản ánh rõ định hướng phát triển khu công nghiệp thông minh, xanh và bền vững. VSIP 3 được xem là một trong những khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước hiện thực hóa khái niệm KCN thông minh và thân thiện với môi trường.
Để nâng cao lợi thế hạ tầng, Bình Dương đã nhanh chóng triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Đường ĐT746 – tuyến huyết mạch dẫn vào KCN VSIP 3 – đang được nâng cấp, mở rộng để kết nối hiệu quả với các tuyến chiến lược như đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Vành đai 4 TP.HCM, sân bay Long Thành và các cảng biển lớn. Đây là nỗ lực nhằm tăng khả năng kết nối vùng, giảm chi phí logistics và gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Trong chiến lược phát triển dài hạn, Bình Dương cũng đang tập trung hoàn thiện lớp “hạ tầng cứng” trong Đề án Vùng đổi mới sáng tạo. Các khu công nghiệp mới như VSIP 3, Cây Trường, Nam Tân Uyên mở rộng hay cụm công nghiệp phía Bắc tỉnh đang được xúc tiến nhanh chóng. Đồng thời, tỉnh đang tạo mọi điều kiện để triển khai KCN cơ khí hỗ trợ do Tập đoàn THACO đầu tư, với quy mô 786 ha và tổng vốn đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng. Đây sẽ là khu công nghiệp chuyên sâu đầu tiên trong ngành cơ khí hỗ trợ, mở ra cơ hội thu hút thêm dòng vốn FDI chất lượng cao.
Phát biểu về định hướng năm 2025, ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương tiếp tục cơ cấu lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, hiện đại hóa các KCN hiện hữu thành KCN thông minh, tạo điều kiện tối ưu cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh đang ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, năng lượng sạch và đổi mới sáng tạo.
Với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025, tỉnh xác định công nghiệp vẫn là động lực chủ lực. Các chính sách thu hút FDI đang tập trung theo hướng cải thiện môi trường đầu tư, phát huy lợi thế địa lý, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đặc biệt, Bình Dương là địa phương tiên phong ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN và cụm công nghiệp, ưu tiên các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược, áp dụng công nghệ cao và cam kết bảo vệ môi trường.
Tất cả những nỗ lực trên đang góp phần đưa Bình Dương tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh mang tầm quốc tế, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường.