Bài liên quan |
Bất động sản Bình Dương và Đồng Nai chiếm ưu thế thị phần nhà giá rẻ |
Bình Dương và Đồng Nai - trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai ngày 5/5, tỉnh này đã gửi công văn chính thức đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thống nhất kế hoạch đầu tư xây dựng bốn cây cầu mới nối liền đôi bờ sông, phục vụ nhu cầu phát triển giao thương, đô thị và công nghiệp ngày càng gia tăng.
Trước đó, vào đầu tháng 4, Sở Xây dựng hai tỉnh đã có buổi làm việc để bàn bạc, thống nhất về chủ trương cũng như phương án phân chia trách nhiệm trong việc đầu tư xây dựng các cầu. Kết quả, tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm triển khai hai dự án cầu Xóm Lá 2 và cầu Tân Hiền, trong khi tỉnh Bình Dương sẽ phụ trách đầu tư xây dựng cầu Thạnh Hội 2 và cầu Tân An. Cả bốn dự án này dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2026, với kỳ vọng tạo nên sự đột phá mới trong kết nối hạ tầng, nhất là giữa các khu vực đang đô thị hóa nhanh như TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và TP Dĩ An, TP Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương).
![]() |
Bình Dương và Đồng Nai sắp có thêm 6 cầu đường bộ vượt sông |
Song song với đó, hai tỉnh cũng đang xúc tiến kế hoạch triển khai hai cây cầu đường bộ khác có vai trò chiến lược trong mạng lưới giao thông khu vực. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện dự án xây dựng cầu Thủ Biên 2, thuộc Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM – một trong những tuyến đường trọng điểm mang tính liên kết vùng cao. Về phía mình, tỉnh Bình Dương sẽ đảm nhận đầu tư cầu Hiếu Liêm 2. Cả hai công trình này được lên kế hoạch khởi công ngay trong năm 2025, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển kết cấu hạ tầng và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Đồng Nai.
Hiện nay, toàn tuyến sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh mới chỉ có bốn cây cầu đang khai thác, khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và kết nối các khu công nghiệp, khu dân cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào giờ cao điểm hoặc khi xảy ra sự cố giao thông. Việc mở rộng hệ thống cầu đường bắc qua sông không chỉ giúp giảm áp lực lên các tuyến hiện hữu mà còn đóng vai trò chiến lược trong việc thúc đẩy liên kết vùng, phát triển đô thị và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực Đông Nam Bộ trong giai đoạn tới.
Được biết, Bình Dương và Đồng Nai coi logistics là ngành kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030, với định hướng trở thành trung tâm logistics. Trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, cả Bình Dương và Đồng Nai đều xác định logistics là ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng Nai sẽ phát triển dịch vụ logistics dựa trên hệ thống sân bay quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, và cảng biển Phước An, nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa và sản xuất công nghiệp. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển vận tải đa phương thức và xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, với quy hoạch 4 trung tâm lớn xung quanh sân bay Long Thành để tối ưu hóa quãng đường vận chuyển hàng hóa và giảm chi phí logistics. Bình Dương coi logistics là ngành kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030, với định hướng trở thành trung tâm logistics vệ tinh, phục vụ cho các khu công nghiệp trong khu vực. Theo quy hoạch, tỉnh hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 28% vào năm 2025.