Nhân tài… như lá mùa thu

10:10 15/05/2022

Tại cuộc họp báo định kỳ gần đây của TP Hồ Chí Minh có chủ trương thu hút 14 nhân tài vào làm việc tại 4 cơ quan là Sở Kế hoạch- Đầu tư; Sở Khoa học công nghệ; Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng cho đến nay, sau gần 3 năm, mới chỉ thu hút được 5 nhân tài.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp báo định kỳ gần đây của TP Hồ Chí Minh, ông Phó Giám đốc sở Nội vụ TP cho báo chí biết: Thực hiện chủ trương thu hút các chuyên gia, nhà khoa học và những người có tài năng đặc biệt (còn được gọi là chính sách “trải thảm đón nhân tài”), năm 2020, thành phố có chủ trương thu hút 14 nhân tài vào làm việc tại 4 cơ quan là Sở Kế hoạch- Đầu tư; Sở Khoa học công nghệ; Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2021 chủ trương thu hút 6 nhân tài vào làm việc trong các lĩnh vực văn hóa- văn nghệ, thể dục thể thao. Và mới đây, TP có thông báo thu hút 5 nhân tài vào các vị trí: tư vấn quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tư vấn cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh tế tập thể, tư nhân; lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường; lĩnh vực công nghệ sinh học thực phẩm và lĩnh vực công nghệ sinh học động vật.

Thế nhưng cho đến nay, sau gần 3 năm, mới chỉ thu hút được 5 nhân tài.

Sau khi lý giải rất nhiều thứ để biện minh cho việc các nhân tài không ủng hộ chủ trương “trải thảm” của thành phố, ông Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã cho báo chí biết rằng, “thảm”của TP gồm việc hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng; hỗ trợ về nhà cửa, phương tiện đi lại và tỷ lệ % giá trị của các công trình nghiên cứu.

Trên thực tế, với một người có thực tài, thì việc kiếm 100 triệu, thậm chí là cả tỷ bạc là bình thường. Việc kiếm một ngôi nhà và cái xe, với họ, cũng không khó.

Cái mà những nhân tài cần, là môi trường để họ cống hiến, sáng tạo. Nhân tài thường không đợi tuổi, nhất là các lĩnh vực như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…và nhân tài không nhất thiết phải có nhiều chứng chỉ, bằng cấp, không nhất thiết phải có học hàm, học vị. Người tài cần được giao những chức vụ đủ lớn, có thế họ mới phát huy được tài năng. Không thể đặt một nhân tài dưới quyền một ông “tiến sỹ cầu lông” hay một ông từ tấm bằng đại học tại chức rồi sử dụng bằng ngoại ngữ của Đại học Đông Đô, ké tên vào một vài bài báo của người khác đăng trên các Tạp chí khoa học quốc tế để trở thành tiến sĩ. Nếu đặt họ vào những vị trí đó, thì những ý kiến, đề xuất của họ chẳng khác gì tiếng đàn, lọt làm sao được vào những cái “tai trâu”?

Nếu đặt nhân tài dưới quyền của những kẻ bất tài, thì hoặc là muốn yên thân, bắt buộc nhân tài phải tự mài mòn tài năng của mình đi để chiều ý cấp trên, hoặc là không chịu đựng nổi phải lên tiếng phản biện, thế là lập tức bị vùi dập tơi bời, thậm chí bị hất văng ra khỏi guồng máy.    

Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi có câu “nhân tài lác đác như lá mùa thu”. Nhưng nếu thực tâm trọng dụng, thì nhân tài sẽ không thiếu.

Vũ Hữu Sự