Nhà ở xã hội - “miếng bánh” không dễ xơi. Bài IV: Các dự án nhà ở xã hội đang bị biến tướng thế nào?

09:28 15/06/2023

Mặc dù Nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho các đối tượng cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở này đang có giá bán chưa thật phù hợp khiến dư luận nghi ngờ chính sách nhà ở dành cho người thu nhập thấp phần nào đó đang bị biến tướng.

Ảnh minh họa
Nhiều người mua nhà ở xã hội trái với quy định

Nhiều dấu hiệu mua bán trái quy định về nhà ở xã hội

Để được mua được một căn hộ tại dự án NƠXH, người mua phải xét hồ sơ rất gian nan may ra mới đủ điều kiện mua. Vậy nhưng, trong nhiều năm trở lại đây có rất nhiều đối tượng được mua NƠXH đã “vô tư” bán lại để kiếm lời.

Điển hình như, CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô - chủ đầu tư dự án NƠXH Ecohome 1, Ecohome 2, Ecohome 3 (Phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội những trường hợp vi phạm khi mua nhà của dự án này. Theo quy định của pháp luật, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần. Tuy nhiên, có một số trường hợp được xét duyệt mua nhà ở xã hội Ecohome 1 và Ecohome 2 nhưng vẫn nộp hồ sơ mua thêm nhà ở xã hội Ecohome 3.

Qua kiểm tra, chủ đầu tư phát hiện 4 trường hợp vi phạm các quy định về mua nhà ở xã hội. Cụ thể: Trần Thị L (mã hồ sơ D1-M1751); Ngô Thị Ngọc Ch (D1-M0243); Đinh Thị Thu Th (D1-M0290); Vũ Trung (HD1-M1158). Đối với các trường hợp nêu trên, chủ đầu tư đình chỉ quyền mua căn hộ, đồng thời báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội xử lý theo quy định. Hiện, chủ đầu tư tiếp tục rà soát và báo cáo xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về NƠXH.

Hoặc đơn cử như dự án NƠXH Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) dự kiến bàn giao vào cuối năm 2019, nhưng đến thời điểm này các sàn bất động sản vẫn đua nhau rao bán với giá chênh từ 100- 200 triệu đồng/căn hộ. Theo giới thiệu của một số nhân viên môi giới một sàn bất động sản, việc mua bán này là thỏa thuận giữa người có nhu cầu với chủ nhà diện được mua nhà ở xã hội đã ký được hợp đồng.

Theo đó, trong các thỏa thuận mua bán này, 2 bên cũng chỉ bằng giấy viết tay và sau 5 năm mới đủ điều kiện sang tên chính thức theo quy định của nhà nước. Ngoài số tiền khách mua phải trả giá gốc cho chủ nhà, người có nhu cầu mua phải chịu thêm khoản chênh tùy vào từng căn hộ và số tầng. Căn ban công Đông nam tầng đẹp có giá chênh cao hơn hẳn những căn hộ có ban công hướng khác.

Tại dự án NƠXH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa vào sử dụng chỉ một thời gian đã xảy ra tình trạng người dân tìm cách rao bán căn hộ của mình. Anh T.A, chủ một căn hộ tại đây cho biết: “Hiện nhà tôi đã có sổ đỏ và chỉ còn 1 năm nữa là được phép chuyển nhượng chính thức. Giá gốc căn hộ gần 14 triệu đồng/m2 nhưng hiện thị trường lên 22 triệu đồng/m2, thấy lãi thì tôi bán. Do chưa được phép chuyển nhượng nên chỉ thỏa thuận miệng và khách có thể cầm ngay sổ đỏ, đợi hơn 1 năm nữa sẽ chính thức sang tên”.

Sở Xây dựng Hà Nội từng xác nhận thông tin liên quan đến người nhà của chủ đầu tư dự án NƠXH được xét duyệt mua nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội Rice City (Q.Hoàng Mai, Hà Nội).

Cụ thể, ông Lục Minh Kim (là bố đẻ của bà Lục Thị Mai Trang - tổng giám đốc Công ty Cổ phần BIC Việt Nam và ông Lục Minh Hoàn cũng là lãnh đạo công ty này), cùng vợ là bà Hoàng Thị Thanh Vân, mẹ vợ (ông Hoàn) là Nguyễn Thị Vinh đều nằm trong danh sách xét duyệt hồ sơ mua nhà do Công ty Cổ phần BIC Việt Nam gửi Sở Xây dựng Hà Nội, doanh nghiệp này cũng chính là chủ đầu tư dự án nói trên. Sau khi báo chí phản ánh, những trường hợp này đã tự rút hồ sơ do không xứng đáng mua nhà tại dự án NƠXH Rice City.

Ngoài bán trái quy định, các đối tượng còn “vô tư” cho thuê lại căn hộ. Tại dự án NƠXH Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giá cho thuê tại đây thường từ 7 - 9 triệu đồng/căn hộ. “Nhiều người còn cho thuê lại làm văn phòng vì khu này gần mặt đường và trung tâm”, một người sống trong tòa nhà cho biết.

 Còn người dân tại khu NƠXH Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) cũng từng thắc mắc dù là khu nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp nhưng tầng hầm tòa nhà quá tải vì nhiều ô tô, thậm chí có cả những ô tô hạng sang.

Hay như trường hợp, ông Mai Xuân Thọ, một cư dân đang sinh sống tại dự án NƠXH Ecohome, từng gây xôn xao khi đăng ký mua lại 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương 52,43% vốn điều lệ Công ty Du lịch Kim Liên vào ngày 22/12/2015 giá khởi điểm thời điểm đó là 30.600 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị khoảng gần 112 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
nhiều dự án nhà ở xã hội đã bị biến tướng khiến giá nhà tại các dự án này cao không kém gì giá mua căn hộ thương mại (Ảnh: Minh họa)

Dư luận không hiểu vì sao ông này lại đủ điều kiện mua được nhà ở xã hội tại đây. Thời điểm cư dân Thọ thực hiện mua lại số cổ phần nói trên của khách sạn Kim Liên chỉ chưa đầy 1 năm làm thủ tục nhận nhà ở xã hội tại dự án Ecohome 1.

 Nguyên nhân nào khiến nhà ở xã hội bị biến tướng

Trên thực tế, nhiều dự án nhà ở xã hội đã bị biến tướng khiến giá nhà tại các dự án này cao không kém gì giá mua căn hộ thương mại. Điều đó khiến một bộ phận lớn người có thu nhập thấp vẫn đau đáu một ước mơ về ngôi nhà của riêng mình.

Chỉ ra các nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng nhà ở xã hội bị biến tướng như hiện nay, luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, theo quy định trong Luật Nhà ở năm 2014, nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội gồm rất nhiều thành phần như: Người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; Cán bộ, công chức, viên chức…

Theo ông Hòa, tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Mặt khác quy định cũng cấm người mua nhà ở xã hội bán lại trước 5 năm.

Luật sư Hòa khẳng định, việc giám sát, kiểm tra sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều người bán sang tay suất mua nhà để kiếm lời, trong khi người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. 

Hơn nữa, một dự án nhà ở xã hội trước khi được hình thành phải trải qua các bước quy trình đúng như một dự án nhà ở thương mại thông thường. Vì thế, doanh nghiệp thường chọn làm dự án nhà ở thương mại nhiều hơn vì vừa có lãi cao lại vừa đỡ tốn thời gian làm thủ tục pháp lý”, ông này nói.

Ông cho biết thêm, hiện giá nhà ở xã hội ngày một cao, có nơi lên đến 20 triệu đồng/m2, mức giá này tương đương giá căn hộ thương mại nên cơ hội cho người thu nhập thấp không còn, chỉ có người có thu nhập cao mới mua được giá nhà ở xã hội dạng này.

Đồng quan điểm trên, luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho hay, tiêu chí để lựa chọn người mua NƠXH phải trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Mặt khác quy định cũng cấm người mua NƠXH bán lại trước 5 năm. Tuy nhiên việc quy định cấm mua bán nhưng lại không có biện pháp xử lý.

“Việc hậu kiểm sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều người bán sang tay suất mua nhà để kiếm lời, trong khi người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội”, luật sư Quyền nói.

Ông Quyền cho rằng, giá NƠXH ngày một cao hơn, có nơi lên đến gần 20 triệu đồng/m2, mức giá này tương đương giá căn hộ thương mại nên cơ hội cho người thu nhập thấp không còn, chỉ có người có thu nhập cao mới mua được giá NƠXH dạng này.

Hà Phan