Những điều kiện để mua nhà ở xã hội năm 2025 Vĩnh Phúc mở lối an cư cho lao động trẻ |
Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) tại Hà Nội ngày càng tăng cao, nhiều người dân đã tìm đến các môi giới để nhanh chóng sở hữu căn hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít người đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, mất hàng trăm triệu đồng chỉ vì tin vào những lời hứa "suất ngoại giao" hấp dẫn.
Mặc dù nhiều dự án nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn chưa đủ điều kiện pháp lý để mở bán, tình trạng rao bán "suất ngoại giao" vẫn diễn ra rầm rộ trên các nền tảng trực tuyến. Các môi giới không chính thống liên tục quảng bá có thể "giữ chỗ chắc suất", "lọt danh sách bốc thăm" hay "ưu tiên hồ sơ", đi kèm mức phí chênh lệch cao ngất ngưởng, dao động từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng mỗi căn, tùy vào vị trí và diện tích. Thực tế này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo mà còn đẩy giá nhà ở xã hội vượt xa mục tiêu hỗ trợ người thu nhập thấp.
![]() |
Phối cảnh dự án Nhà ở xã hội CT3 - Thăng Long Green City |
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, chị Phương – công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long – cho biết đã đặt cọc 70 triệu đồng cho một môi giới để "giữ chỗ" tại dự án nhà ở xã hội CT3 - Thăng Long Green City. Điều đáng nói là thời điểm này, dự án chưa công bố giá bán chính thức và cũng chưa phát hành hồ sơ đăng ký ra thị trường. Dù biết giao dịch mang tính rủi ro, chị Phương vẫn chấp nhận xuống tiền vì lo ngại nếu chậm chân sẽ không còn cơ hội sở hữu nhà ở giá rẻ.
Trước tình trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã có cảnh báo mạnh mẽ. Cơ quan này đề nghị Công an thành phố tăng cường rà soát, xử lý các đối tượng môi giới lợi dụng nhận kê khai, nộp hồ sơ mua/thuê/thuê mua nhà ở xã hội trái quy định pháp luật. Sở Xây dựng cũng khuyến cáo người dân chỉ nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư, không qua các đối tượng môi giới, sàn giao dịch bất động sản trung gian.
Nhiều người dân đã đặt niềm tin vào các môi giới không chính thống, dẫn đến việc mất tiền oan. Chẳng hạn, anh Đ.V. L ở Long Biên (Hà Nội) đã đặt cọc hơn 2 tỷ đồng để mua ba căn hộ tại dự án NƠXH, nhưng sau đó không nhận được căn hộ như cam kết. Anh H. cho biết: "Môi giới hứa hẹn 'suất ngoại giao' nhưng cuối cùng tôi không nhận được gì, tiền cọc cũng không được hoàn lại."
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, quy trình xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội thường kéo dài từ 30 - 60 ngày và phải tuân theo các tiêu chí cụ thể về thu nhập, tình trạng nhà ở và thời gian thường trú. Ông cảnh báo: "Để tránh bị lừa đảo khi mua nhà ở xã hội, người dân cần xác minh tính pháp lý của dự án, nên làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, không thông qua trung gian mập mờ và chỉ ký hợp đồng có công chứng rõ ràng.
Hướng dẫn an toàn khi mua nhà ở xã hội Chỉ nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư, không qua môi giới Xác minh thông tin dự án trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hà Nội hoặc chủ đầu tư Không chuyển tiền khi chưa có hợp đồng hợp pháp, đặc biệt nếu môi giới yêu cầu đặt cọc mà không có giấy tờ đảm bảo. Trong trường hợp không may bị lừa đảo, nhanh chóng thu thập đầy đủ bằng chứng, bao gồm hợp đồng, biên lai chuyển tiền, tin nhắn và email trao đổi với môi giới để làm cơ sở khiếu nại hoặc tố cáo. Mua nhà ở xã hội là một quyền lợi chính đáng của người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để tránh rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin và chỉ làm việc với các chủ đầu tư uy tín. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo trong lĩnh vực này. |