Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo động lực cho đầu tư “Đòn bẩy” hạ tầng giúp Vĩnh Phúc bứt phá, phát triển mạnh mẽ |
Vĩnh Phúc – vùng đất công nghiệp đang thu hút lượng lớn lao động từ khắp nơi đổ về, cũng là nơi đặt ra bài toán khó về chỗ ở, đặc biệt với người trẻ có thu nhập trung bình. Trong bối cảnh giá đất và chi phí sinh hoạt leo thang, cơ hội sở hữu nhà ở ngày càng trở nên xa vời với nhiều người. Tuy nhiên, các gói tín dụng ưu đãi từ ngân hàng thương mại đang mở ra cánh cửa hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp.
Thực tế cho thấy, lực lượng lao động tại các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc phần lớn là người trẻ, thu nhập chưa cao, khó tiếp cận với thị trường bất động sản thương mại. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở xã hội lại đang thiếu hụt. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng với các gói tín dụng ưu đãi dài hạn, lãi suất thấp là giải pháp “cần kíp” giúp thị trường nhà ở xã hội sôi động trở lại.
Anh Nguyễn Đại Hải, làm việc tại TP. Vĩnh Yên chia sẻ: “Nếu được vay dài hạn với lãi suất thấp, vợ chồng tôi có thể mua nhà thay vì đi thuê. Có một chốn ổn định sẽ giúp chúng tôi an tâm làm việc, chăm lo cho con cái học hành lâu dài.”
Không chỉ người lao động, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được tiếp thêm nguồn lực để triển khai dự án nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo cung ứng đúng đối tượng có nhu cầu thực.
![]() |
Vĩnh phúc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. |
Ngay sau khi đề án “1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến 2030” được Thủ tướng phê duyệt, ngành ngân hàng đã vào cuộc. Năm 2023, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được công bố nhưng tốc độ giải ngân còn chậm. Trước thực tế đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động tung ra các chương trình vay linh hoạt, thiết kế riêng cho đối tượng lao động trẻ.
Từ ngày 2/4/2025, Agribank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng dưới 35 tuổi. Với lãi suất cố định 5,5%/năm trong 3 năm đầu, thời hạn vay lên tới 40 năm, chương trình hướng đến mục tiêu hỗ trợ người trẻ ổn định tài chính, an cư và phát triển kinh tế cá nhân bền vững.
Cùng thời điểm, VietinBank cũng tiếp tục triển khai chương trình tín dụng nhà ở xã hội trị giá 30.000 tỷ đồng. Lãi suất ưu đãi cho người mua nhà chỉ 6,1%/năm, áp dụng trong 5 năm đầu. Chủ đầu tư cũng được hưởng mức lãi suất 6,6% trong vòng 3 năm. Chính sách này có hiệu lực đến hết năm 2030, giúp thị trường bất động sản nhà ở xã hội giữ vững đà phát triển ổn định.
BIDV, Vietcombank và nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng nhập cuộc, tung ra các gói vay hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của người lao động có thu nhập trung bình. Hạn mức vay có thể lên đến 100% nếu người vay có tài sản thế chấp ngoài nhà ở hình thành từ vốn vay, tạo điều kiện tiếp cận tài chính linh hoạt hơn.
Tại Vĩnh Phúc, nhiều dự án nhà ở xã hội đang được khởi động trở lại. Điển hình như dự án tại phường Phúc Thắng (Phúc Yên) do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 3/2025. Đại diện doanh nghiệp cho biết, các quy định chặt chẽ nhằm tránh tình trạng đầu cơ đang giúp thị trường nhà ở xã hội lành mạnh và thực chất hơn, dù phạm vi tiếp cận có phần thu hẹp.
Sự phối hợp giữa nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp đang hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho thị trường nhà ở xã hội: ngân hàng tiếp vốn – doanh nghiệp triển khai – người lao động được mua nhà với chi phí phù hợp. Đây là mô hình đang phát huy hiệu quả rõ rệt tại các tỉnh công nghiệp như Vĩnh Phúc.
Trong bối cảnh giá nhà vẫn chưa hạ nhiệt, các gói tín dụng ưu đãi trở thành công cụ giúp cân bằng thị trường, thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển đúng hướng. Sự kết nối giữa chủ đầu tư và người mua nhà thông qua các chương trình vay đang giúp rút ngắn khoảng cách giữa cung và cầu, biến giấc mơ “an cư” thành hiện thực với nhiều người lao động trẻ.