Việt Nam sẽ có 10 tỉ phú và 2 triệu doanh nghiệp
Sẽ có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD); khu vực doanh nghiệp sẽ đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Đặc biệt, sẽ có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô - la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn…
Nhiều mục tiêu cũng đã được đưa ra, như đến năm 2030 hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, hàng đầu quốc gia, có năng lực kinh doanh ngang tầm quốc tế, tiêu biểu về đạo đức, văn hóa kinh doanh; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 200.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp; bồi dưỡng ít nhất 500 lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp lớn và 5.000 doanh nhân lãnh đạo kế cận…
Những mục tiêu đầy tham vọng này được liệt kê trong Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ vào ngày 9/5/2024 Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Có thể thấy, việc Chính phủ đưa lên hàng đầu 2 nhóm nhiệm vụ là “nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước” và “hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến” đang thể hiện quyết tâm rất cao trong nỗ lực và trách nhiệm thực thi các mục tiêu tham vọng.
Trên nền tảng này, việc thực hiện các mục tiêu không kém tham vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW sẽ có thêm động lực. Tuy nhiên, thực hiện đầy đủ, trách nhiệm các chương trình hành động này đang là thách thức không nhỏ.
Cùng hướng vào chất lượng doanh nghiệp
Nhà khoa học, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng Nghị quyết 66 của Chính phủ, với các mục tiêu và giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, càng khẳng định định hướng phát triển kinh tế Việt Nam với trọng tâm là doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, từ nghị quyết đến thực tế cần có thêm nhiều chính sách cụ thể và rõ ràng hơn. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích đào tạo và tự đào tạo cho đội ngũ doanh nhân. Chỉ khi có những con người đủ trình độ và hiểu biết, họ mới có khả năng điều hành và phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, có thể cạnh tranh trong nước và vươn ra khu vực.
"Dù thực tế có một số doanh nhân không học đại học vẫn thành công và điều hành doanh nghiệp tốt, nhưng số này không nhiều. Doanh nhân cần tự trang bị kiến thức và cần có sự khuyến khích cho các chương trình đào tạo chuyên sâu," GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Theo GS Võ Tòng Xuân, hầu hết các tập đoàn lớn nhất hiện nay trên thế giới đều bắt đầu từ những công ty gia đình. Vì vậy, các hộ gia đình và cơ sở sản xuất ở Việt Nam cũng có thể là những hạt giống tiềm năng. Nếu có môi trường kinh doanh tốt, doanh nhân tự tin và khuyến khích sáng tạo, các cơ sở này sẽ lớn mạnh và có thể trở thành tập đoàn lớn. GS Xuân nhấn mạnh rằng mặc dù các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình đã có, việc thực hiện ở các địa phương lại gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, việc tiếp cận vốn của các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn. Các chính sách khuyến khích khởi nghiệp đã được đưa ra nhưng việc thực hiện còn chậm, nhiều chủ trương chưa cụ thể. Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh để mọi thành phần kinh tế được đối xử công bằng. Chỉ khi đó, lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo đa dạng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nhân, mới được thúc đẩy. Một nền kinh tế lớn mạnh phải có nhiều tập đoàn lớn và các doanh nhân tài giỏi.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Nghị quyết 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 66, tiếp tục khẳng định vai trò của doanh nhân, bất kể họ hoạt động trong khu vực kinh tế nào.
Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có cách tiếp cận phù hợp trong môi trường hội nhập để phát triển các doanh nghiệp dân tộc và doanh nghiệp dẫn dắt. Hiện tại, các doanh nghiệp quy mô lớn của Việt Nam tuy được gọi là lớn nhưng chưa đủ mạnh. Để có một doanh nghiệp đủ lớn và mạnh, cần ba yếu tố: năng lực sáng tạo công nghệ (vẫn còn rất hạn chế), thương hiệu không chỉ ở tầm quốc gia mà phải vươn tầm quốc tế, và khả năng dẫn dắt và lan tỏa.
Chúng ta thường coi một doanh nghiệp là lớn dựa trên doanh số, vốn liếng, và nguồn nhân lực, nhưng nếu đo lường theo ba yếu tố trên thì số lượng doanh nghiệp thực sự lớn mạnh chỉ đếm trên đầu ngón tay và chưa thể dẫn dắt chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.
Để các doanh nghiệp trong nước thực sự lớn mạnh và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần thực hiện hai việc: tái cấu trúc doanh nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại và đón đầu tương lai; và hỗ trợ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế. Nguyên tắc hỗ trợ là hỗ trợ "người thắng cuộc" thông qua cạnh tranh, không chọn người thắng cuộc để hỗ trợ trước. Nếu chọn người thắng cuộc để hỗ trợ, dễ tạo ra lợi ích nhóm. Cần thông qua cạnh tranh để xác định doanh nghiệp nào thắng cuộc sẽ nhận được hỗ trợ để phát triển vượt bậc.
Cũng cần nhìn nhận rằng phần lớn doanh nghiệp hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, nên cần một môi trường kinh doanh thực sự tốt để họ phát triển. Đây là nền tảng để tạo ra những doanh nghiệp lớn. Điều này cũng liên quan đến việc tạo dựng những doanh nghiệp dẫn dắt để lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ sinh thái và chuỗi cung ứng.
Ngoài việc thu hút các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, quy mô lớn đến đầu tư, chúng ta cũng cần phát triển các doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt các chuỗi giá trị, mặc dù số này hiện đang rất ít và gặp nhiều thách thức.
Hiện có nhiều lĩnh vực mới có thể hình thành các doanh nghiệp dẫn dắt như bán dẫn, thiết bị y tế, công nghệ dược, chế biến chế tạo, cơ khí, sản xuất lắp ráp ô tô, hay một số lĩnh vực thượng nguồn như sản xuất thép. Hiện đã có những doanh nghiệp đang lớn mạnh, có quy mô tỷ USD trong các ngành này cần được hỗ trợ để vươn lên, trở thành doanh nghiệp lớn mạnh và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Dư địa hỗ trợ cho các doanh nghiệp này rất lớn thông qua các biện pháp hỗ trợ về hạ tầng và phát triển AI, theo nguyên tắc hỗ trợ người thắng cuộc.
Cần chính sách minh bạch, cụ thể
Để cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ, chúng ta cần thực hiện những bước cụ thể nào? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho rằng các tỷ phú USD hiện nay là những cá nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu như Vingroup, Vietjet, Hòa Phát, Masan, Thaco. Họ đã tiên phong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đây cũng là giai đoạn đầu hình thành các ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nhân sở hữu tài sản tỷ USD còn tham gia tích cực vào các vấn đề xã hội như xóa đói giảm nghèo. Các tập đoàn lớn thuộc sở hữu của các tỷ phú này đầu tư vào nhiều dự án chiến lược, tạo đột phá cho các địa phương và khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, các địa phương thường tập trung vận động và thu hút các tập đoàn hàng đầu đến đầu tư để tạo ra các cực tăng trưởng.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nhân lớn luôn mong muốn đóng góp cho đất nước hơn là chỉ lo cho bản thân. Họ không chỉ tích lũy tài sản cho nhiều đời mà làm việc vì khát vọng nâng tầm quốc gia.
Ông Lộc cho rằng để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đủ mạnh, có tầm ảnh hưởng trong nước và vươn ra khu vực, thế giới thì tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là chưa đủ. Vấn đề hàng đầu với doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, là đảm bảo kinh doanh an toàn và thuận lợi. Trước đây chúng ta chỉ nói đến sự thuận lợi trong kinh doanh, nhưng hiện nay cần nhấn mạnh yếu tố kinh doanh an toàn và niềm tin kinh doanh.
Doanh nghiệp quy mô lớn không chỉ là tài sản của chủ sở hữu mà còn là tế bào của nền kinh tế đất nước. Vì vậy, cần tạo môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi cho họ dựa trên tinh thần "đối tác công tư". Trong nhiều lĩnh vực có tính đột phá như ngành công nghiệp ô tô, Nhà nước không thể làm một mình mà cần cộng tác với các tập đoàn tư nhân lớn. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, và nâng cao chất lượng quản trị.
“Các tập đoàn tư nhân khi có quy mô đủ lớn có tính chất xã hội rất cao, liên quan đến nguồn thu ngân sách, khai thác tài nguyên, môi trường, việc làm và sự phát triển của ngành công nghiệp. Vì vậy, việc Nhà nước chung tay với doanh nghiệp và đảm bảo cho họ kinh doanh bài bản, an toàn là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc giám sát của Nhà nước không được can thiệp khiến doanh nghiệp mất quyền tự chủ và tính sáng tạo trong kinh doanh,” ông Lộc nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, các chính sách và mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy sự hình thành của đội ngũ doanh nhân là rất quan trọng, thể hiện quan điểm của Việt Nam trong bối cảnh mới. Hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 28% GDP, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 18% GDP, doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm khoảng 10% GDP, và phần còn lại thuộc về kinh tế cá thể, hộ gia đình. Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều chính sách "phân biệt đối xử" giữa các thành phần kinh tế. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên, doanh nghiệp FDI nhận nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp tư nhân hầu như không được hưởng các chính sách tương tự.
Ở các nước phát triển, tất cả các thành phần kinh tế đều được đối xử như nhau, áp dụng chung một chính sách, và doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng rất thấp. Nhiều quốc gia đã áp dụng nguyên tắc từ hàng trăm năm qua rằng nhà nước không tham gia kinh doanh. Những doanh nghiệp nhà nước chỉ ra đời để thực hiện một số lĩnh vực mà tư nhân không làm.
PGS-TS Võ Đại Lược nhấn mạnh: Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tự lực tự cường, tạo ra nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thế giới, Việt Nam phải xem xét bãi bỏ các chính sách chỉ ưu tiên, ưu đãi riêng cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI. Nếu còn nơi nào, chính sách nào cho rằng kinh tế nhà nước là chủ đạo thì điều này đang làm hạn chế khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ khi tạo ra được môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch mới giúp các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân phát huy được tính sáng tạo và khả năng lớn mạnh hơn.
Để làm được điều này, cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Quan trọng hơn, cần thoái vốn nhà nước xuống dưới 49% để thật sự chuyển giao việc quản lý cho các đơn vị tư nhân. Cần ưu tiên chuyển giao, bán cổ phần cho doanh nghiệp trong nước để tiếp tục tạo ra những tập đoàn kinh tế lớn. Khi khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, sẽ xuất hiện thêm nhiều doanh nhân lớn, sở hữu tài sản nhiều tỷ USD như ở các nước khác.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM), đánh giá rằng các mục tiêu và kế hoạch đầy tham vọng đã được đặt ra rất nhiều trước đây, trong đó có mục tiêu Việt Nam phải tăng số lượng tỷ phú USD và các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng. Gần đây nhất là Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Bây giờ là Nghị quyết 66 triển khai Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Trong đó, Bộ Chính trị đặt trọng tâm phát triển đất nước vào vai trò của đội ngũ doanh nhân để giải quyết vấn đề.
"Điều này rất tham vọng, nhưng rất cần thiết bởi có tham vọng mới có sự nỗ lực. Chúng ta không thiếu giải pháp, nhưng việc đưa các giải pháp vào cuộc sống, triển khai thực tế để hiện thực hóa nghị quyết là vấn đề của các địa phương, bộ, ngành. Thế nên, nghị quyết đã có rồi, giải pháp không thiếu, thậm chí rất chi tiết. Điều chúng ta cần là những địa phương, cơ quan dám nghĩ, dám làm. Cần có sự chuyển biến trong cách tiếp cận chính sách, định hướng rõ ràng vì một điều lớn lao hơn, quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc… thì không có gì khó để Việt Nam có đội ngũ doanh nhân có tầm ảnh hưởng ra bên ngoài. Trong mấy năm qua, tuy có quá nhiều khó khăn và sự chững lại của cải cách, nhưng những doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trong nước, đã vươn ra nước ngoài, ghi danh Việt Nam trên thị trường quốc tế… là điều đáng trân trọng", bà Thảo nhấn mạnh.
Nhìn vào các tập đoàn kinh tế lớn thuộc sở hữu của các tỷ phú USD hiện nay, bà Thảo cho rằng chúng ta cần tôn vinh những doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chỉ những doanh nghiệp sản xuất mới có thể lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và sản xuất.
Những doanh nghiệp đi lên từ sản xuất sẽ tạo ra tính lan tỏa và khả năng dẫn dắt cao hơn. Một số doanh nghiệp, sau khi thành công với bất động sản, cũng đang chuyển hướng đầu tư vào sản xuất. Tất nhiên, một số tập đoàn mới chỉ dừng ở bước là một phần trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn FDI. Để tạo ra sự dẫn dắt lớn hơn, các tập đoàn tư nhân trong nước cần chủ động về công nghệ và thiết kế để tạo ra sự dẫn dắt và tính lan tỏa lớn hơn.
Chính những doanh nghiệp đầu ngành này đang cần được Chính phủ hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể để đẩy mạnh sản xuất và đầu tư nhiều hơn cho R&D. Khi các tập đoàn này sản xuất tốt thì sẽ hình thành nên những chuỗi sản xuất và dịch vụ khác.
Theo đó, chính sách phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đầu ngành đạt quy mô nhất định, với những tiêu chí cụ thể trong những ngành mà Việt Nam có lợi thế để thúc đẩy sự hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng trong nước. Như vậy, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ nhỏ, nhưng chính sách hỗ trợ sẽ đúng trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả đề ra.
Nguyên Anh