Thứ năm 19/09/2024 12:21
Hotline: 024.355.63.010
Bất động sản

Nghị quyết 41 - Khơi khát vọng phồn vinh. Bài I: Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kì mới

24/10/2023 14:57
Doanh nghiệp, doanh nhân là tài sản quốc gia và quí hơn các mỏ vàng mỏ bạc, vì càng khai thác càng tạo nguồn lợi cho phát triển đất nước.
aa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp lớn mạnh thì xã hội lành mạnh và đất nước hùng cường. Thực tiễn chứng tỏ, nền kinh tế hội nhập và phát triển thành công chỉ có thể dựa trên nền tảng thể chế quốc gia thân thiện, thuận lợi và an toàn cho kinh doanh; mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền tự do của người dân; phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo, năng động và có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao, có tinh thần dân tộc và ý thức đoàn kết cộng đồng ….

Bởi vậy, ngay từ ngày 13/10/1945 ngay sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các giới công thương gia Việt Nam, trong đó Người khẳng định: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Nửa thế kỷ sau, ngày 20-9-2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13-10 hàng năm làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, như một sự khẳng định tinh thần nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong tôn vinh, tin tưởng và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vì sự nghiệp ích quốc, lợi dân …

Đồng hành cùng cả nước, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt đã trải qua bao thăng trầm gắn với công cuộc cách mạng, đổi mới, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng, lớn mạnh về chất lượng, mở rộng về phạm vi địa bàn, lĩnh vực và quy mô hoạt động, trưởng thành về bản lĩnh thị trường và nâng cao về vị thế trong nền kinh tế quốc gia, từng bước vươn xa, khẳng định tầm vóc và sức cạnh tranh của Việt Nam ở trên 230 thị trường quốc tế. Đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Việt có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, đi tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Đội ngũ doanh nhân Việt ngày càng mở rộng và hoạt động trong mọi lĩnh vực, với bản lĩnh và kỹ năng kinh doanh thị trường ngày càng được củng cố. Nhiều doanh nhân cũng tự tin cho rằng doanh nhân Việt không hề thua kém các doanh nhân nước ngoài nếu trong cùng môi trường đầu tư như nhau. Nhiều người trong đó đã trở thành đại gia, tỷ phú thế giới...

Những thành công và trưởng thành cả về lượng và chất của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt là to lớn và không phải là ngẫu nhiên. Đó là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.

Nhân dịp “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều biến động toàn diện và nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặt ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ mới cho phát triển đất nước đội và ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt gắn với nhiều hạn chế, khó khăn khách quan và chủ quan, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (dưới đây viết tắt là Nghị quyết 41) thay cho Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Trong khi truyền tải tinh thần Thư gửi các giới công thương gia Việt Nam ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kế thừa nhất quán những luận điểm còn nguyên giá trị của Nghị quyết 09-NQ/TW, đồng thời Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã có nhiều nội dung và thông điệp mới mang tính đột phá về quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thể chế có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển mang tầm vóc, quy mô và vị thế mới của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, với những điểm nhấn nổi bật sau:

Thứ nhất, khẳng định vị thế và đề cao vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Nghị quyết 41 khẳng định: Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến, tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, Nghị quyết 41 cũng nhấn mạnh yêu cầu mở rộng và nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam.

Thứ hai, nhận diện đầy đủ và đặt yêu cầu mục tiêu cao về chất lượng phát triển đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam

Nghị quyết 41 đã thể hiện đầy đủ, cụ thể và minh bạch không chỉ tầm quan trọng, mà còn cả yêu cầu về lượng và chất của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới theo tinh thần Đại hội XIII.

Theo đó, Nghị quyết 41 xác định rõ mục tiêu tổng quát: Phát triển, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật để đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Mục tiêu đến năm 2030: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết 41 cũng đòi hỏi đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, yêu cầu kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm xã hội, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, Nghị quyết 41 còn đặt yêu cầu cao về xây dựng đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt ngày càng rắn chắc và gắn kết hơn trên cơ sở củng cố sự đoàn kết, liên kết và hợp tác chặt chẽ với nhau và với các lực lượng, giai tầng xã hội khác trong và ngoài nước, để phát huy sức mạnh cộng đồng đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển và an ninh chung của đất nước.

Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và đồng bộ giải pháp tạo môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện và phục vụ thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến

Để mở rộng không gian và tạo động lực mới phát triển cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết 41 đòi hỏi các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh, phát triển đồng bộ các loại thị trường. Nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng; Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.

Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan. Nghiên cứu, ban hành chính sách động viên, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước; mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 41 cũng coi trọng công tác đào tạo doanh nhân, yêu cầu các cơ quan chức năng ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương, gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới; xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, khuyến khích doanh nhân ở tất cả các thành phần kinh tế tham gia; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới; Đồng thời, khuyến khích doanh nhân thành đạt tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm. Đa dạng hoá các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực cho doanh nhân, doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân

Nghị quyét 41 yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và phương thức quản lý nhà nước trong các loại hình doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên phù hợp với loại hình, địa bàn, tính chất, quy mô hoạt động của doanh nghiệp.

Nhà nước nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện doanh nhân tham gia cung cấp một số dịch vụ công phù hợp; Chú trọng quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hình thức đa dạng, các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp; Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, hạn chế tối đa tranh chấp lao động; củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ chức của đội ngũ trí thức, nông dân trong liên kết, hợp tác, góp phần xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Thứ năm, phân công rõ trách nhiệm triển khai Nghị quyết và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về doanh nhân

Nghị quyết 41 yêu cầu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 41; tăng cường kiểm tra, đánh giá, định kỳ sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết 41 theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 41. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết 41...

Đồng thời, Nghị quyết 41 đòi hỏi đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao và thống nhất nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân; Chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu; Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và tăng cường vai trò báo chí trong tổ chức quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 41.

Phát triển đội lành mạnh đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống xuất phát từ thực tiễn, các nguyên tắc của cơ chế kinh tế thị trường, cũng như các cam kết và thông lệ quốc tế trong xu hướng mở cửa, tăng cường, hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của môi trường thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn và bất trắc khó lường, cũng như nhận thức và môi trường đầu tư trong nước còn không ít trở ngại, với những điểm nhấn và mới nêu trên, có thể nói, Nghị quyết 41 là một trụ mốc mới đánh dấu sự phát triển nhận thức, sự cầu thị, đổi mới, quyết tâm và dũng cảm chính trị của Đảng về doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam.

Nghị quyết 41 đã đáp ứng trúng mong đợi của giới doanh nhân và thực tiễn xã hội, được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân nồng nhiệt đón mừng, tin tưởng và được kỳ vọng sẽ định hướng vững chắc, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo động lực mới, vị thế mới để mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ mới cả về lượng và chất của cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; từ đó đủ sức đảm nhiệm tốt sứ mệnh vinh quang và trọng trách, gánh vác nhiệm vụ tiên phong, trở thành một trong những lực lượng nòng cốt và rắn chắc hơn góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa nước ta không ngừng vươn lên, hiện thực hoá khát vọng hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 , nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước theo mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra...

TS.Nguyễn Minh Phong

Tin bài khác
Thanh Hóa: Xác định vị trí đề xuất quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia

Thanh Hóa: Xác định vị trí đề xuất quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia

Thanh Hóa vừa thực hiện khảo sát vị trí quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia rộng khoảng 140 ha tại Khu Công nghiệp số 6 của Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha

Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha

Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 233.000 người.
Vĩnh Phúc: Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn đầu tư công

Vĩnh Phúc: Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn đầu tư công

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Vĩnh Phúc tỉnh đã phân bổ 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 1.815 dự án, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng vốn.
VietinBank Phú Thọ tổ chức gặp mặt, ký kết hợp tác vơi doanh nghiệp

VietinBank Phú Thọ tổ chức gặp mặt, ký kết hợp tác vơi doanh nghiệp

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Phú Thọ (VietinBank Phú Thọ) tổ chức gặp mặt, tọa đàm kết nối với doanh nghiệp.
Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp

Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp

Vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp – Phan Văn Thắng cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị liên quan tiếp Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, do ông Nguyễn Đăng Lực - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ làm trưởng đoàn.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son