Một số khu vực như đất rừng và đất sản xuất phi nông nghiệp vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng nhìn chung, sự thay đổi này đặt ra yêu cầu cần thiết phải điều chỉnh bảng giá đất để áp dụng cho năm 2025, phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai 2024.
Bình Thuận dự kiến công bố bảng giá đất mới áp dụng năm 2025. |
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận Trần Hữu Minh Tùng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị tư vấn và các sở, ngành chức năng để tiến hành điều tra và thu thập thông tin. Kết quả này là cơ sở để xây dựng bảng giá đất mới, áp dụng cho từng nhóm đất tại các địa phương trong tỉnh. Theo ông Tùng, bảng giá đất điều chỉnh của năm 2025 dự kiến sẽ tăng ở hầu hết các khu vực, với một số vị trí có mức tăng đáng kể.
Dự thảo bảng giá đất cho thấy, nhóm đất nông nghiệp ghi nhận mức tăng cao nhất. Tại huyện Hàm Tân, giá đất trồng lúa nước có mức điều chỉnh tăng từ 208% đến 283%, do sự phát triển của các dự án lớn đã đẩy giá trị thị trường tăng cao.
Các địa phương khác cũng ghi nhận mức tăng từ 121% đến 230%. Tương tự, đất trồng cây hàng năm tại huyện đảo Phú Quý có mức tăng mạnh từ 1.077% đến 1.682%.
Khu vực ngoại thành Phan Thiết cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể với mức tăng từ 340% đến 370%. Các huyện còn lại tăng từ 135% đến 283%. Đối với đất trồng cây lâu năm, huyện đảo Phú Quý tiếp tục là địa phương có mức tăng cao nhất từ 1.176% đến 1.725%, trong khi khu vực ngoại thành Phan Thiết tăng từ 354% đến 405%. Các huyện khác cũng tăng từ 131% đến 238%. Riêng đất lâm nghiệp, giá tăng trung bình từ 100% đến 164%, ngoại trừ huyện Hàm Thuận Nam không có sự thay đổi.
Nhóm đất phi nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng tăng. Đất ở nông thôn tại khu vực 1 của TP. Phan Thiết có mức tăng từ 229% đến 246%. Tại thị xã La Gi, giá đất tăng từ 153% đến 217%, và các huyện khác ghi nhận mức tăng từ 132% đến 228%.
Đối với đất ở đô thị, huyện Hàm Tân có mức tăng cao nhất từ 143% đến 360%, trong khi TP. Phan Thiết tăng từ 83% đến 281%. Thị xã La Gi tăng từ 137% đến 214% và các huyện còn lại tăng từ 90% đến 257%. Đất sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ tại TP. Phan Thiết cũng tăng đáng kể từ 83% đến 281%, huyện Hàm Tân tăng 198%, thị xã La Gi tăng 181%, và các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam tăng từ 140% đến 154%. Riêng hai huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh giữ nguyên giá đất.
Đáng chú ý, giá đất sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ du lịch không có sự thay đổi lớn so với năm 2024. Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư & Tư vấn Phương Bắc, dữ liệu giao dịch trên thị trường vẫn còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá đất phổ biến. Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất giữ nguyên giá đất của nhóm này để đảm bảo tính thực tế và phù hợp với tình hình thị trường.
Bảng giá đất điều chỉnh năm 2025 sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý và định giá đất đai tại địa phương. Đồng thời, sự thay đổi này cũng phản ánh sự phát triển kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ, đòi hỏi các chính sách đất đai linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.