![]() |
Ngành vận tải biển toàn cầu lao đao vì bất ổn thuế quan. |
Ngành vận tải biển toàn cầu đang trải qua giai đoạn biến động chưa từng có do những thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các hãng tàu, chủ hàng và công ty hậu cần buộc phải điều chỉnh chiến lược trong thời gian ngắn, khi các tuyên bố mới từ Washington liên tục đảo chiều thị trường.
Từ tình trạng tàu xuất bến chỉ chở một nửa công suất, biến động mạnh về giá cước, đến nguy cơ phải điều chỉnh tuyến vận chuyển, ngành logistics đang vật lộn để thích nghi với những thay đổi chóng mặt.
Tổng thống Donald Trump, sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, đã triển khai chiến dịch tăng thuế quan quy mô lớn với hàng loạt quốc gia, trong đó Trung Quốc là đối tượng chính với mức thuế lên đến 145%. Một số mặt hàng của nước này thậm chí còn bị áp mức thuế tổng cộng lên tới 245%. Gần đây, ông Trump còn bất ngờ tuyên bố tạm dừng một phần các mức thuế đối ứng trong 90 ngày – ngoại trừ đối với Trung Quốc – càng làm thị trường thêm bất ổn.
Theo ông Alexandre Charpentier, chuyên gia vận tải tại Roland Berger, trước thời điểm ông Trump công bố tạm dừng thuế, lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến xuyên Thái Bình Dương và xuyên Đại Tây Dương sụt giảm rõ rệt, khiến nhiều tàu khởi hành chỉ đạt 50% công suất.
“Các doanh nghiệp lúc đó cố tình giữ hàng lại, chờ xem động thái tiếp theo”, ông Charpentier cho biết. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, tình hình đã đảo chiều. “Hiện tại, khách hàng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, hàng tồn kho được xả ra và cước tàu đã bắt đầu tăng trở lại”, ông nói thêm.
Sự không chắc chắn tiếp tục gia tăng khi Mỹ công bố áp phí cảng mới đối với tàu được đóng hoặc vận hành bởi Trung Quốc vào ngày thứ Năm (17/4), và bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 10 năm nay. Đáng chú ý, Trung Quốc hiện chiếm gần một nửa số tàu được đóng mới trên toàn cầu, vượt xa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong dài hạn, giới chuyên gia nhận định ngành vận tải sẽ phải đối mặt với xu hướng giảm giá cước – tương tự giai đoạn 2018–2019 trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Khi đó, các hãng tàu chứng kiến tình trạng dư thừa công suất, chi phí vận hành tăng và doanh thu giảm.
Bà Sandy Gosling, chuyên gia từ McKinsey, cho rằng với mức thuế cao hơn hiện nay, tác động có thể còn lớn hơn trước. “Chúng tôi dự đoán các tuyến vận tải từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ dần mất lợi thế, trong khi các tuyến từ Đông Nam Á hoặc Ấn Độ sẽ nổi lên thay thế”, ông Alexandre Charpentier nói.
Bà Anne-Sophie Fribourg, Phó Chủ tịch phụ trách dịch vụ đường biển tại Zencargo (Anh), đồng tình và nhận định nếu tuyến Trung – Mỹ không còn hiệu quả, các hãng tàu sẽ buộc phải điều chỉnh vòng quay, chuyển sang các khu vực khác như Mỹ Latinh – nơi nhu cầu đang gia tăng.
Mặc dù các hãng vận tải lớn như MSC, CMA CGM hay Maersk chưa công bố thay đổi tuyến chính thức, Hapag-Lloyd (Đức) cho biết họ đã ghi nhận mức giảm lớn ở Trung Quốc, nhưng lại chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt từ khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo nội bộ của Boston Consulting Group cũng cho rằng thương mại Trung – Mỹ sẽ sụt giảm mạnh, trong khi thương mại nội khối giữa các quốc gia trong khu vực “Global South” có xu hướng tăng.
Thuật ngữ "Global South" (tạm dịch: Phương Nam toàn cầu) là một khái niệm chính trị – kinh tế dùng để chỉ các quốc gia đang phát triển, chủ yếu nằm ở khu vực Nam bán cầu, bao gồm nhiều nước ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe. |
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu có thể giảm 1,5% trong năm 2025, nếu chính sách thuế quan hiện tại được duy trì. Riêng thương mại Mỹ – Trung có thể sụt giảm tới 81%.
Bên cạnh đó, bà Gosling cho biết, ngành vận tải đã phải trải qua hàng loạt cú sốc trong hai thập kỷ qua: từ đại dịch Covid-19, các cuộc khủng hoảng địa chính trị, cho đến các đợt tấn công ở Biển Đỏ khiến tàu hàng phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng.
Theo bà Fribourg từ Zencargo, các hãng tàu hiện có “sự linh hoạt đáng kể trong việc điều chỉnh tuyến”, nhưng việc dịch chuyển dòng chảy thương mại sang các thị trường thay thế sẽ cần thêm thời gian.
“Chuyển hướng là có thể, nhưng sẽ không thể diễn ra trong một đêm”, ông Charpentier kết luận.
![]() Google chi khoản tiền “khổng lồ” mỗi tháng cho Samsung để cài sẵn ứng dụng AI Gemini, hé lộ chiến lược mở rộng thị phần AI giữa lúc bị điều tra độc quyền tại Mỹ. |
![]() Khi căng thẳng thương mại leo thang, dòng tiền đầu tư đang rút khỏi cổ phiếu tăng trưởng để tìm đến nhóm tiêu dùng thiết yếu châu Á – nơi được xem là “vùng trú ẩn an toàn” nhờ nhu cầu nội địa ổn định. |
![]() Thương hiệu xa xỉ Hermès của Pháp cho biết sẽ chuyển toàn bộ chi phí phát sinh từ thuế quan của Mỹ sang người tiêu dùng giàu có tại thị trường này, trong bối cảnh doanh số quý I/2025 tăng chậm hơn kỳ vọng. |