![]() |
Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên pin mặt trời từ Đông Nam Á. |
Chính phủ Mỹ ngày 21/4 đã áp mức thuế mới lên tới 3.521% đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ bốn quốc gia Đông Nam Á, trong một động thái được xem là cú hích cho sản xuất nội địa nhưng đồng thời làm gia tăng bất ổn cho ngành năng lượng tái tạo vốn đang chịu nhiều sức ép tại Mỹ.
Quyết định này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài một năm do Bộ Thương mại Mỹ thực hiện, nhằm xác định liệu các nhà sản xuất pin mặt trời tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan có đang hưởng lợi bất công từ các chính sách trợ cấp của chính phủ và bán hàng vào Mỹ với giá dưới chi phí sản xuất hay không.
Cuộc điều tra được khởi xướng dưới thời Tổng thống Joe Biden theo đề nghị từ các nhà sản xuất trong nước Mỹ, nhưng các mức thuế mới lại được công bố trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh chính sách thương mại bảo hộ, với hàng loạt mức thuế mới làm xáo trộn thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù thuế mới mang lại lợi thế cho các công ty sản xuất nội địa như Hanwha Q Cells, First Solar và Mission Solar Energy, giới phân tích cho rằng các nhà phát triển dự án điện mặt trời tại Mỹ sẽ chịu thiệt hại đáng kể. Ngành này vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ nước ngoài, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
“Đây là chiến thắng rõ ràng cho ngành sản xuất Mỹ”, luật sư Tim Brightbill, đại diện nhóm doanh nghiệp khởi kiện, tuyên bố. Ông khẳng định kết quả điều tra đã xác nhận "các công ty Trung Quốc đứng sau các nhà máy ở Đông Nam Á đang lách luật và làm tổn hại đến người lao động Mỹ".
Cụ thể, mức thuế cao nhất lên tới 3.521%, được áp cho hàng hóa từ Campuchia sau khi nước này từ chối tiếp tục tham gia điều tra. Tại Việt Nam, các công ty không được nêu tên phải chịu thuế lên tới 395,9%, trong khi Thái Lan chịu mức 375,2%. Malaysia chịu mức thấp hơn 34,4%.
Một số công ty lớn bị ảnh hưởng trực tiếp, như Jinko Solar bị áp thuế 245% cho hàng xuất từ Việt Nam và 40% từ Malaysia. Trina Solar từ Thái Lan bị đánh thuế 375%, còn JA Solar từ Việt Nam có thể đối mặt với mức thuế khoảng 120%.
Theo dữ liệu từ BloombergNEF, Mỹ đã nhập khẩu 12,9 tỷ USD thiết bị điện mặt trời từ bốn quốc gia trên trong năm 2024 – chiếm khoảng 77% tổng lượng pin mặt trời nhập khẩu. Với mức thuế cao như hiện nay, chi phí đầu vào của các dự án điện mặt trời mới tại Mỹ sẽ tăng mạnh, có thể làm chậm lại tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Quyết định cuối cùng về việc liệu các nhà sản xuất Mỹ có bị "tổn hại đáng kể" hay không sẽ được Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đưa ra trong khoảng một tháng tới.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu Mỹ áp thuế với thiết bị điện mặt trời. Cách đây 12 năm, Washington từng áp các biện pháp tương tự với hàng hóa Trung Quốc, khiến nhiều công ty Trung Quốc thiết lập nhà máy tại các quốc gia không chịu thuế – như Malaysia và Việt Nam, để né lệnh cấm.
Tuy nhiên, lần này Mỹ đã mở rộng điều tra ra cả các nước Đông Nam Á, vốn đang trở thành trung tâm sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng pin mặt trời toàn cầu, khiến dư địa né thuế ngày càng bị thu hẹp.
![]() Khi căng thẳng thương mại leo thang, dòng tiền đầu tư đang rút khỏi cổ phiếu tăng trưởng để tìm đến nhóm tiêu dùng thiết yếu châu Á – nơi được xem là “vùng trú ẩn an toàn” nhờ nhu cầu nội địa ổn định. |
![]() Thương hiệu xa xỉ Hermès của Pháp cho biết sẽ chuyển toàn bộ chi phí phát sinh từ thuế quan của Mỹ sang người tiêu dùng giàu có tại thị trường này, trong bối cảnh doanh số quý I/2025 tăng chậm hơn kỳ vọng. |
![]() Đối mặt nguy cơ thuế nhập khẩu 25% từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Toyota đang cân nhắc đưa dây chuyền sản xuất mẫu SUV bán chạy, RAV4, về Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro. |