Tại tọa đàm "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), đã chia sẻ những thông tin nổi bật về ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Ông cho biết, hiện tại Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao, là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Theo đại diện Viforest, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường trên toàn cầu, trong đó 5 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu.
"Đặc biệt, Mỹ chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, Nếu Mỹ nhập khẩu 10 chiếc ghế, thì trong đó có 4 chiếc 'made in Vietnam'," ông Hoài cho biết.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Hoài cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp gỗ so với những ngành nghề khác thì đã có bước phục hồi và tăng trưởng đáng khích lệ. Cụ thể là 6 tháng vừa rồi, Việt Nam đã xuất khẩu được 7,8 tỷ USD, tính ra mức độ tăng trưởng là khoảng trên 21%. Một loạt các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…đều có tăng trưởng khá.
Mặc dù ngành gỗ đang chứng kiến những sự thay đổi tích cực từ nhu cầu thị trường, thế nhưng, gần đây dường như doanh nghiệp gỗ vẫn đang đau đầu câu chuyện cước vận tải biển tăng đột biến. Theo chia sẻ của ông Hoài, điều này xuất phát từ nhiều lý do, không chỉ vì căng thẳng tại Biển Đỏ mà lý do còn nằm ở việc thiếu tàu biển, thiếu container rỗng.
"Hiện nay theo phản ánh của các doanh nghiệp thì cước vận tải biển đi một số thị trường xa như Hoa Kỳ và EU đã tăng tới mức 7.000-8.000 USD. Và mới cách đây độ 1 tháng thôi thì nó chỉ ở mức 3.000-4.000 USD. Việc giá cước tăng nhanh như vậy làm cho các doanh nghiệp gỗ gặp nhiều khó khăn, bởi hiện họ vẫn đang phụ thuộc lớn vào hàng hóa xuất khẩu. Và khi giá cước tăng như vậy, thì các nhà nhập khẩu ở nước ngoài, họ cũng phải đàm phán với chúng ta để điều chỉnh giá cả và do đó, chúng ta cũng phải chịu áp lực chia sẻ rủi ro do giá cước tăng. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp gỗ Việt. Bởi vì thực sự, sản phẩm gỗ rất tốn chi phí hậu cần. Chi phí vận tải, đặc biệt là vận tải biển rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta phải chuyển sang hướng sản xuất và thương mại xanh, logistics cũng phải xanh thì đây là vấn đề rất lớn, đặc biệt với doanh nghiệp gỗ", ông Hiệp đánh giá.
Ngoài những thách thức trong việc đối diện với chi phí vận tải biển tăng, các doanh nghiệp gỗ hiện nay cũng đang gặp khó với thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trao đổi về vấn đề này, ông Hoài nhận định: "Việc hoàn thuế GTGT, thì truyền thông, báo chí đã đồng hành cùng doanh nghiệp gỗ, bởi doanh nghiệp gỗ là nhóm doanh nghiệp bị nợ hoàn thuế GTGT nhiều nhất. Cho nên trong 2 năm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ, rồi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã có những phiên chất vấn, đã có những chỉ đạo về tình hình hoàn thuế GTGT để giúp điều đó được cải thiện. Thế nhưng khó khăn vẫn còn có rất nhiều, bởi vì chuỗi cung ứng gỗ là chuỗi tương đối dày, tương đối phức tạp. Từ người nông dân trồng rừng, cho đến thương lái, cho đến cơ sở sơ chế, rồi cuối cùng đến doanh nghiệp chế biến ra sản phẩm và khi xuất khẩu phải nộp thuế GTGT, đến lúc hoàn thuế thì lại là con đường đi rất dài. Ngoài ra, hiện nay theo quy định, phải truy xuất đến tận gốc, đến tận người nông dân trồng rừng, chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ phải có cách để cải tiến, để đơn giản hóa truy xuất".
Ông Hoài đề xuất, mắt xích nào trong chuỗi trên nếu phát sinh thuế GTGT thì mới cần truy xuất, còn ví dụ như người nông dân trồng rừng đang được miễn thuế GTGT thì không cần truy xuất nữa. "Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu rằng cơ quan quản lý nhà nước về thuế, Tổng cục Thuế cũng có những khó khăn, bởi vì trên thực tế cũng đã có những doanh nghiệp gian lận nhưng chúng ta không vì thế mà để cho tình trạng hoàn thuế GTGT bị dây dưa, bị chậm và gây thiệt hại cho những doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật. Tình hình chung hiện nay là tất cả doanh nghiệp đều muốn tuân thủ pháp luật, chỉ vì cái chuỗi quá dài, quá phức tạp cho nên đôi khi rất khó để tuân thủ theo", ông Hoài chia sẻ.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng của ngành gỗ trong 6 tháng cuối năm, ông Hoài bày tỏ tin tưởng rằng, với sự cải thiện của kinh tế thế giới, với sự cải thiện của thị trường toàn cầu, đặc biệt là với thị trường Hoa Kỳ, nơi mà rất nhiều người kỳ vọng rằng tháng 9 tới, Fed sẽ hạ lãi suất thì điều này sẽ thúc đẩy sức mua tại Hoa kỳ tăng lên. Ngoài ra, trong nửa cuối năm nay, Viforest dự kiến tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ còn cao hơn nữa. Tính chung cả năm, Viforest dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sẽ đạt trên 16 tỷ USD. Đấy là con số khá tích cực. "Thực ra trước đây, chúng tôi cũng rất sợ là cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sẽ rơi xuống đáy và luẩn quẩn đâu đó theo hình chữ U khá lâu. Thế nhưng, có một điều rất may mắn có vẻ như là phục hồi nhanh hơn chúng tôi dự báo, và mức độ tăng trưởng của ngành gỗ sẽ nối tiếp đà này để đi lên trong năm 2024", ông Hoài nhận định.
Bảo Bảo