Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu và cần khẩn trương tháo gỡ

09:04 06/02/2023

Việc quy định mốc thời điểm CPI thay đổi 20% khiến phải mất tới 5-7 năm mức giảm trừ gia cảnh mới được đổi một lần. Chính sách có độ trễ lớn nên người dân luôn chịu thiệt. Vì vậy, theo TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu như hiện nay là bất cập cần khẩn trương tháo gỡ.

Ảnh minh họa
Người dân làm thủ tục nộp thuế.

Mới đây, Tổng cục Thuế công bố thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 138% dự toán, tức vượt thu tới 48.658 tỉ đồng. Trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Có thể thấy nguồn thu thuế thu nhập cá nhân luôn cao và vượt dự toán. Trong khi đó, đời sống của người nộp thu nhập cá nhân, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này có thể thấy mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu so với thực tế.

Người làm công không đủ chi phí thì không thể tích lũy, muốn mua xe phải trả góp, muốn mua nhà phải trả lãi… Theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 thì kể từ giữa năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với mức sống hiện nay. Thế nhưng, Bộ Tài chính đang “thủng thỉnh” đưa vào dự thảo sửa đổi Luật thuế TNCN dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2025. Có nghĩa là người lao động phải chờ dài cổ, và trong quá trình chờ thì dù nghèo vẫn nộp thuế.

Ảnh minh họa
 Nhà nước cần sớm sửa đổi các quy định pháp luật về thuế TNCN, làm sao để NLĐ tái tạo sức lao động, động viên họ làm việc và có tích lũy để đảm bảo cuộc sống là điều cấp bách.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi luật thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, để người dân đỡ chật vật hơn trong cuộc sống.

Hiện đề xuất sửa đổi một loạt quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Bộ Tư pháp cho rằng nếu dự kiến đến 2026, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh và cắt giảm 2 bậc thuế trong tính thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Đề xuất này được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với những thay đổi về đời sống người dân trong thực tế.

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng quy định nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay còn nhiều bất cập về yếu tố công bằng mang tính tương đối giữa các nhóm lao động, giữa thu nhập theo vị trí địa lý. Lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành bốn vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. Ở vùng sâu, vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, có thể dư dả, nhưng ở vùng thành thị - nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không đủ sống.

Trong khi trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển.

Theo ông Sang, đã đến lúc, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức thuế thu nhập cá nhân. Trong việc điều chỉnh trước hết dựa vào tính thời đại, thực tiễn, công bằng, thực thi. Sau đó, tính đến lợi ích hài hòa của các thành phần trong xã hội. Trong mấy năm vừa qua, khi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng việc duy trì mức thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu như hiện nay là bất cập cần khẩn trương tháo gỡ.

"Nếu chỉ giảm 2 bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần là không đủ, vì chỉ giải quyết cho nhóm thu nhập cao. Do vậy song song với biện pháp này cần xem xét mức giảm trừ gia cảnh, vì mức 11 triệu đồng/tháng với người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc đã quá lạc hậu trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải điều chỉnh theo hướng mức giảm trừ không cố định mà tính bằng 4 - 5 lần lương tối thiểu vùng. Bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh cần giảm trừ thêm các chi phí hợp lý khác như tiền học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, lãi vay mua căn nhà đầu tiên", ông Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM) kiến nghị.

Lâm Nghi (t/h)