Xóm chài tan hoang sau mưa lũ
Đến ngày 3/9 mặc dù nước đã rút hết nhưng toàn bộ đường làng, ngõ xóm, sân nhà của xóm chài thôn Tiến Ích 2, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa vẫn ngập trong bùn lầy. Cả thôn có 22 hộ bị cô lập, đây là xóm chài, xóm đạo khổ nhất của xã Vĩnh Quang. Xóm chài này được nhà nước xây cho mỗi hộ một ngôi nhà tình nghĩa, giờ đây được phủ kín một màu đất cát đặc quánh, nơi sâu nhất chừng hơn 1m. Trong khi đó các tuyến giao thông nối các thôn trên địa bàn xã hư hỏng nghiêm trọng đã gây khó khăn rất lớn trong công tác khắc phục sau lũ ở xóm chài này.
Xóm chài thôn Tiến Ích 2, xã Vĩnh Quang bị cô lập sau lũ
Chị Nguyễn Thị Nội, 40 tuổi làm nghề thuyền chài từ thời cha sinh mẹ đẻ đến nay cho biết: Cuộc đời chị đã trải qua nhiều mùa lũ nhưng mùa lũ lần này thật khủng khiếp, nước sông Mã dâng lên quá nhanh, xóm chài chỉ kịp chạy lấy người và một số đồ dùng quan trọng để lên ở tạm trên Trạm Bơm, nhà bị ngập bùn phải sống cách li từ ngày 31/8, riêng ngày 2/9 lớp bùn ngập gần đến cổ.
Ông Tạ Quang Minh, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Vĩnh Quang đang cùng với dân xóm Tiến Ích 2 khắc phục hậu quả sau lũ cho biết: Dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các đoàn thể cùng người dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Trên địa bàn xã còn 1 xóm chài nữa với 10 hộ dân ở thôn Cẩm Hoàng cũng bị cô lập hoàn toàn. Nhà cửa sau lũ bị tàn phá tan hoang, 1 tháng phải chạy ba lần lũ lụt, sau lũ điện không có, mọi ngời phải xách từng can dầu về để dùng máy nổ bơm nước xối bùn, hiện vẫn chưa có nước sạch để sinh hoạ
Con đường lầy lội đi đến làng chài xã Vĩnh Quang
Cuộc sống ngày càng khó khăn
Xã Vĩnh Yên, địa bàn bị ngập nặng nhất của huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa có nhiều người dân sống bằng nghề chài lưới, thời gian qua đã bị sống cách li dài nhiều ngày do một lượng bùn lớn đã ngăn cách bao vây các hộ dân sống trên thuyền. Trong gia đình ông Nguyễn Văn Vê và bà Nguyễn Thị Tường ở thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên có 4 hộ con cháu đều làm nghề chài lưới. Hiện ông bà đã trên 90 tuổi đều là hội viên hội Ngưởi cao tuổi thôn Yên Tôn Hạ, đang có cuộc sống vô cùng khó khăn thiếu thốn về thức ăn, nước sinh hoạt, ngồi trên thuyền ông Vê tâm sự: Trong cuộc sống hàng ngày có lẽ là những ngày mưa lũ lụt là những ngày khổ nhất, có những đợt mái thuyền bị gió lốc cuốn đi mất. Chúng tôi phải làm bằng mọi cách để giữ được chiếc thuyền làm nơi sinh sống của cả gia đình. Cái lạnh, cái rét và cộng cả cái đói của những đợt mưa bão là những ngày tháng không thể nào quên đối với những gia đình làm nghề chài lưới. Có những đêm không dám ngủ vì sợ nước lũ đột ngột dâng cao sẽ cuốn phăng đi tất cả. Như hôm trước bản tin dự báo có mưa lớn, các hồ thủy điện xả lũ, cả nhà thay nhau “canh” lũ. Không ai có thể ngủ trong cảnh mưa gió, nằm xuống là thấp thỏm lo âu, đành thức trắng chờ đến ngày mai.
Cuộc sống ngày càng khó khăn với gia đình Ông Nguyễn Văn Vê
Trong gia đình của hai ông bà thuyền chài già này còn có 1 anh con trai chạc 50 tuổi mà vẫn chưa có gia đình. Gặp tôi lúc đầu anh có vẻ rụt rè, lúng túng, nhưng sau đó cũng như bao người con làng chài ăn to nói lớn khác, anh rất chân thành và mến khách. Anh Nguyễn Văn Quang có nước da sạm màu sóng nước, và đôi mắt nâu hiền từ. Sinh ra lớn lên và gắn bó với nghề sông nước, anh chưa hoặc không có điều kiện lo cho hạnh phúc riêng của mình. Anh có vẻ ngượng ngùng khi tôi hỏi chuyện vợ con: “Do điều kiện khó khăn, nhà nghèo, lênh đênh trên sông nước, cứ chờ lúc mô có điều kiện thì lập gia đình. Nhưng rồi thời gian trôi đi nhanh quá cô ạ, cứ qua mùa lũ này lại đến cơn bão kia, rồi hết ngày hết tháng, giờ đã già rồi nên ngại lấy vợ. Với lại giờ bố mẹ đã già, sống và chăm lo cho bố mẹ thôi”. Tiễn tôi lên thuyền anh thủ thỉ: Những năm gần đây, điều kiện thời tiết và khí hậu có nhiều biến động, cùng với sự xuất hiện hàng loạt đập thủy điện ở vùng thượng nguồn khiến các dòng sông cũng có sự biến đổi lớn. Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước gia tăng, lưu lượng nước biến động thất thường là nguyên do chính dẫn đến nguồn cá tôm ngày càng ít đi, thậm chí là đang dần cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các làng chài chúng tôi. Cuộc mưu sinh dường như ngày một vất vả, nhọc nhằn, bởi con cá, con tôm ngày càng khan hiếm cùng với mưa lũ xảy ra liên miên.
Khát vọng trên dòng sông
Một buổi chiều thu lịch sử, sau ngày mưa lũ tôi có mặt trên sông Bưởi lúc hoàng hôn. Dòng sông đang chìm đắm trong màn sương hư ảo, những con thuyền nhỏ đang dần trôi vào bờ để tìm hơi ấm của lòng đất. Theo lối mòn trơn trượt tôi bước xuống triền sông để ghé thăm gia đình anh Nguyễn Duy Mạnh, sinh năm 1985 ở xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Tôi bắt gặp khuôn mặt bất thần của anh trên con thuyền nhỏ lênh lênh mùa lũ thật tội nghiệp. Nhìn khắp lượt con thuyền ngoài chiếc ti vi cổ lai hi, chiếc quạt cũ kĩ lỗi thời, một nồi cơm điện rẻ tiền thì gia đình anh không còn gì đáng giá. Chiếc thuyền nhỏ cũ kĩ là nơi sinh hoạt, làm việc của gia đình hai vợ chồng anh Mạnh và hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Đói ăn, thiếu mặc nên gia đình anh phải gửi ông bà ngoại mãi tận huyện Vĩnh Lộc. Nghề chính của gia đình anh là đánh bắt và nuôi cá tôm, nay cá tôm không còn nhiều, nuôi cá lồng thì mất do bão lũ xảy ra liên tục. Không phải đến mùa lũ năm nay mà trong nhiều năm qua ước mơ được lên bờ đau đáu trong lòng anh. Bởi sống trên sông nước họ cũng như bao người dân chài khác thường xuyên bị đe dọa mỗi khi mùa mưa lũ kéo về. Mong muốn lớn nhất của gia đình anh là có một chỗ ở ổn định nhưng cần nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước. Rời con thuyền nhỏ khi trời đã nhá nhem tối anh Mạnh tiễn chân tôi lên bờ không quên gửi gắm ước nguyện tha thiết, cháy bỏng của mình: Chúng tôi chỉ mong có được mảnh vườn nhỏ để dựng ngôi nhà đơn sơ làm nơi che mưa, che nắng cho mùa mưa lũ bớt khổ, mùa đông bớt lạnh, thoát được cuộc sống nổi trôi, vô định giữa dòng nước mênh mông.
Khát vọng lên bờ của gia đình anh Nguyễn Duy Mạnh
Có thể nói dòng đời vẫn trôi đi như dòng sông, có những nghề ngày càng thêm thịnh vượng, có nghề lại đang gặp khó khăn và lụi dần, khiến cho bao người rơi vào cảnh éo le, lay lắt. Nghề chài lưới trên sông luôn là một thử thách lớn đối với cư dân làng chài đặc biệt là mỗi khi mùa mưa lũ về. Chia tay với những người dân làng chài trở về nhà trong tâm trí tôi luôn hiện lên hình ảnh và giọng nói văng vẳng của ông Trần Văn Kế, 62 tuổi thôn 4, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa “Một đời lam lũ trên sông Bưởi, chiếc thuyền nhỏ của hai ông bà già lại là nơi sơ tán an toàn nhất cho các con cháu tôi mỗi mùa lũ về, vì gia đình nó sống trên cạn cứ mưa to là lụt, xuống thuyền nước dâng bao nhiêu thì thuyền dâng bấy nhiêu, không lo bị ngập nữa”.
Minh Hiền