Ảnh minh họa

Xuất hiện tại kỳ họp cổ đông thường niên vào tháng 4, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM không giấu tâm thế hồ hởi khi thông báo với cổ đông rằng công ty bước vào năm 2021 với nhiều yếu tố thuận lợi. Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đạt gần 80% khối lượng công việc, là cơ sở quan trọng để đưa vào vận hành và thu phí trong năm 2021; dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội đã thu phí từ 1/4; các bất động sản hoàn thành hồ sơ pháp lý cần thiết và đi vào xây dựng.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Vàng bạc đá quý Phú Nhuận thì chia sẻ rằng, năm 2020 là khoảng thời gian tái tạo, còn 2021 sẽ là lúc PNJ tăng tốc. Thực tế, sự tăng tốc này đã bắt đầu từ cuối năm 2020 và ghi nhận kết quả nổi bật trong quý I.

Tương tự, bà Lê Thị Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành cho biết từ cuối năm 2020 đến các tháng đầu năm 2021, đơn hàng đến dồn dập. Kết thúc quý I, doanh số, lợi nhuận và năng suất lao động đều tăng. Xuất khẩu ngành gỗ năm 2021 được kỳ vọng bùng nổ với các chính sách phát triển thị trường và Gỗ Đức Thành hứa hẹn sẽ tăng trưởng lạc quan.

 

Doanh nghiệp bước vào năm 2021 với nhiều thuận lợi và kỳ vọng
Doanh nghiệp bước vào năm 2021 với nhiều thuận lợi và kỳ vọng.
Chia sẻ của 3 vị lãnh đạo lão làng trên có lẽ cũng là tâm trạng chung của nhiều doanh nhân khác khi bắt đầu năm 2021 với một khởi đầu hết sức thuận lợi. Nhờ đạt được mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế”, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ thế giới với GDP năm 2020 tăng trưởng 2,91%. Kiểm soát tốt dịch bệnh giúp các doanh nghiệp Việt duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Nền kinh tế thế giới tăng tốc trở lại, nhu cầu hàng hóa gia tăng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các số liệu cũng cho thấy sự phục hồi khả quan. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I là 4,48% và quý II là 6,61%. Khi đó, nhiều tổ chức thế giới dự báo Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6,5%, thậm chí đạt 7,1%.

Thống kê của Fiinpro với hơn 1.000 doanh nghiệp trên 3 sàn giao dịch chứng khoán cho thấy, doanh thu quý I tăng 13,3% và quý II tăng 33,6%, lợi nhuận sau thuế cũng lần lượt tăng 112% và 64,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm, các doanh nghiệp niêm yết đã hoàn thành gần 59% kế hoạch năm, tỷ lệ hoàn thành cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ảnh minh họa

Tăng trưởng nổi bật nhất trong nửa đầu năm không thể không nhắc đến ngành thép. Hưởng lợi từ giá thép tăng cao cùng nhu cầu từ thị trường thế giới, hàng loạt doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ như Hòa Phát, Hoa Sen, Tisco, Nam Kim… liên tiếp lập kỷ lục lợi nhuận trong quý I, II với mức tăng trưởng tính bằng lần so với cùng kỳ năm trước. Một số đơn vị khác chuyển từ lỗ sang lãi hàng trăm tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2021 cũng chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm vận tải biển. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do yếu tố dịch bệnh trong khi nhu cầu hàng hóa tăng cao đã đẩy giá cước vận tải tăng. Qua đó, nhiều doanh nghiệp vận tải biển như VIMC, Vosco, Vinaship, Hải An… ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận tăng trưởng ba chữ số.

 

Thép và vận tải biển là 2 ngành nổi bật nửa đầu năm
Thép và vận tải biển là 2 ngành nổi bật nửa đầu năm.
Trong khi đó, ngành dệt may soán ngôi Bangladesh trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, theo công bố của WTO vào tháng 8. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các nhà máy tại Bangladesh phải đóng cửa trong khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, đa dạng hóa sản xuất và đổi mới sản phẩm thích nghi môi trường.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 29 tỷ USD, tăng 6,4%. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam phục hồi nhanh từ những tháng cuối năm 2020 và bứt phát mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Kim ngạch nửa đầu năm nay ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2020 và cao hơn cả mức trước đại dịch của năm 2019. Nhiều doanh nghiệp như Dệt may Thành Công, Đầu tư TNG ngay từ thời điểm cuối quý I cho biết đã nhận đơn hàng đến quý III; Vinatex, May Việt Tiến, Sợi Thế Kỷ, Hanosimex… ghi nhận lãi ròng tăng trưởng ba chữ số trong nửa đầu năm.

Ngay cả những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch như du lịch, hàng không, đường sắt cũng cho tín hiệu phục hồi. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Tổng Công ty Đường Sắt cho biết, chạy thêm 55 đoàn tàu trên các tuyến, đặc biệt là đến các tỉnh thu hút lượng khách du lịch đông. Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng chia sẻ trong kỳ nghỉ lễ này, các hãng hàng không trong nước đã đăng ký khai thác tối đa slot (lượt cất, hạ cánh) tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài trong giờ cao điểm, xin sử dụng slot dự phòng, slot chuyến bay quốc tế để khai thác thêm.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra đầu tháng 5, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam - Vingroup bày tỏ, dịch bệnh khiến cho mảng du lịch nghỉ dưỡng - Vinpearl gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020. Nếu dịch bệnh trong nước vẫn được kiểm soát tốt và người dân không được đi du lịch nước ngoài thì du lịch trong nước sẽ rất phát triển.

Ảnh minh họa

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, làn sóng Covid-19 thứ 4 lan rộng với biến thể Delta. Ban đầu, dịch bệnh bùng phát mạnh ở miền Bắc, tấn công vào các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Sau một tháng, dịch bệnh tạm lắng ở miền Bắc thì đến khu vực phía Nam mà trọng điểm là TP HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với dân số hơn 10 triệu người. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 có thể nói là đợt dịch phức tạp, căng thẳng nhất đối với Việt Nam từ trước đến nay. Dịch bệnh lây lan sâu vào các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, rồi đến TP HCM, Bình Dương và các tỉnh thành phía Nam khác. Đây là những trung tâm sản xuất công nghiệp, luôn đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Đợt dịch này thực sự là đòn giáng mạnh lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam, hoạt động kinh doanh gần như tê liệt trong tháng 8 và 9. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phải tạm đóng cửa, trừ kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Thậm chí, trong thời gian cao điểm, ngay cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu cũng không được mở cửa đón khách mà chuyển hoàn toàn qua kênh online. Doanh nghiệp sản xuất gặp khó trong việc duy trì hoạt động, tổ chức mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”… do chi phí tăng cao nhưng năng suất lao động giảm. 

Các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu tạm đóng cửa phòng dịch
Các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu tạm đóng cửa phòng dịch.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex cho biết rất nhiều đơn vị thành viên như Tổng Công ty may Việt Tiến, Tổng Công ty Phong Phú, Tổng Công ty Việt Thắng… tổ chức làm việc theo phương châm ““3 tại chỗ (ăn, ở, sản xuất)” nhưng chỉ đạt được 10-20% trên tổng số lao động, năng suất lao động thấp.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp hàng đầu ngành nhựa, thừa nhận quý III là một kỷ lục buồn trong 44 năm hoạt động khi cả 3 tháng kinh doanh đều lỗ. Toàn bộ hoạt động của công ty chỉ ở mức 15-20% so với bình thường trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. 

Chi phí “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, chi phí phòng dịch, test Covid-19 bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp”
Chi phí “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, chi phí phòng dịch, test Covid-19 bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp”.
Kỳ vọng năm 2021 sẽ là năm tăng tốc nhưng quý III khiến nỗ lực của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận trong nửa đầu năm bị thổi bay. Trong năm Covid-19 đầu tiên, doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc chỉ có 1 tháng lỗ nhưng năm nay là 3 tháng liên tiếp. PNJ trải qua quý III với mức lỗ kỷ lục.

Du lịch vừa nhen nhóm tia hy vọng phục hồi với vụ cao điểm hè thì chịu cảnh đóng băng trong 3 tháng dịch. Ngành hàng không với kỳ vọng mở cửa đường bay quốc tế cùng hộ chiếu vaccine tiếp tục bị “delay” và nhu cầu nội địa xuống thấp.

Đến cả các doanh nghiệp thép, mặc dù giá bán vẫn neo ở mức cao nhưng do các công trình xây dựng bị tạm dừng, nhiều đơn vị báo lỗ do sản lượng tiêu thụ giảm. 

Doanh nghiệp chịu thiệt hại chưa từng có trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4
Doanh nghiệp chịu thiệt hại chưa từng có trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4.
Không chỉ chịu “thiệt đơn, thiệt kép” từ ảnh hưởng của quy định giãn cách xã hội, doanh nghiệp Việt cũng đứng trước những dấu hỏi về việc đứt gẫy chuỗi cung ứng. Nike Việt Nam đã phải chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn quá lâu, đúng tiến độ giao hàng. Nhiều doanh nghiệp dệt may khác chấp nhận giao hàng bằng đường hàng không với chi phí đội lên nhiều lần nhằm tránh bị phạt hợp đồng. Ngay cả khi khôi phục hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, Gỗ Đức Thành cũng chưa thể đạt công suất 100% do một số công nhân về quê, một số bị nhiễm bệnh phải ngừng việc.

Xét chung trên bình diện nền kinh tế, GDP quý III âm 6,17%, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố chỉ số quý đến nay. Điều này kéo giảm GDP 9 tháng xuống 1,42%, cách xa mục tiêu 6,5% của cả năm.

Ảnh minh họa

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tạo sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Thực tế này đòi hỏi các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế. Từ mục tiêu “Zero Covid”, Chính phủ xác định phải sống chung với Covid với nhiều giải pháp nhằm mang lại môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng.

 

Từ bỏ chiến lược
Từ bỏ chiến lược "Zero Covid" và bật chế độ sống chung.
Với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, một mặt, Chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trên phạm vi cả nước nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tiêm hơn 135 triệu liều vaccine Covid-19 đến ngày 15/12. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 97% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là gần 80% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm nguồn vaccine, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine hồi tháng 8. Một trong những nhiệm vụ của tổ công tác là xúc tiến, vận động viện trợ vaccine. Từ tháng 3 đến hết ngày 13/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 168,8 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Đặc biệt, sự ra đời của quỹ vaccine phòng chống Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn tích cực ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch trong gần 2 năm qua. Tính đến ngày 16/12, tổng số tiền huy động đạt gần 8.800 tỷ đồng.

Mặt khác, Chính phủ đặt ra mục tiêu mở cửa nền kinh tế, từng bước dỡ bỏ các tầng giãn cách xã hội. Cuối tháng 8, Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Song song với đó, nhà chức trách cũng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm nay đạt 95% kế hoạch. Ước đến hết tháng 11, cả nước đã giải ngân 294.589 tỷ đồng vốn đầu tư công, mới đạt khoảng 64% mục tiêu năm, thấp hơn so với mức 71% cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, để tiếp tục và kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm nay; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV; giảm 30% mức thuế GTGT đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021…

Trước sự hỗ trợ của Chính phủ, sau khi được nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10, cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng triển khai lại phương án sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp bán lẻ chuẩn bị nguồn hàng và tung ra các chương trình khuyến mãi kích cầu. Doanh nghiệp sản xuất nhanh chóng ổn định lực lượng lao động để thực hiện các đơn hàng bị tồn đọng.

Dù có những khó khăn như lực lượng lao động bỏ về quê không dễ quay trở lại, nhu cầu tiêu thụ yếu đi do thu nhập người dân giảm, chính sách nới lỏng chưa đồng bộ giữa các địa phương, rất nhiều doanh nghiệp công bố doanh thu, lợi nhuận tháng 10 và 11 cải thiện đáng kể so với tháng 9. Thậm chí, “ông lớn” bán lẻ Đầu tư Thế Giới Di Động còn ghi nhận mức kỷ lục theo tháng khi chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh được mở cửa trở lại. 

Từ nguy cơ mất đơn hàng, xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng tốc và có thể cán mốc mục tiêu 39 tỷ USD
Từ nguy cơ mất đơn hàng, xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng tốc và có thể cán mốc mục tiêu 39 tỷ USD.
Từ nguy cơ bị mất đơn hàng, bị phạt hợp đồng, ngành dệt may đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vitas, giá trị sản xuất ngành dệt may có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11% so với 2020 và tăng nhẹ so với mức trước đại dịch của năm 2019. Triển vọng ngành dệt may Việt Nam tiếp tục sáng khi nhiều doanh nghiệp cho biết, đã nhận thêm đơn hàng mới đến giữa năm 2022.

Là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong tháng 10, hãng lữ hành với thị phần hàng đầu Vietravel đã khởi động lại hơn 30 văn phòng bán tour và dịch vụ du lịch trên toàn quốc dựa trên dự đoán triển vọng thoát đáy du lịch nội địa, cơ hội hồi phục du lịch quốc tế. Ngày 15/11, 6 văn phòng du lịch nước ngoài thuộc hệ thống Vietravel tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Australia, Pháp, Mỹ cũng đã mở cửa trở lại. 

Du lịch bán tour trở lại
Du lịch bán tour trở lại.
Không chỉ vậy, những doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính cũng nhìn thấy cơ hội gia tăng thị phần sau dịch bệnh. Đầu tư Thế Giới Di Động liên tiếp mở các chuỗi bán lẻ hoàn toàn mới gồm thời trang thể thao, trang sức và mắt kính…

Các chỉ số sản xuất công nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu… trong tháng 10 và 11 cho thấy kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi. Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tính tăng 6,9% so với tháng 9, nhưng giảm 1,6% so với cùng kỳ. Sang tháng 11, chỉ số này ước tăng lần lượt 5,5% và 5,6% khi so với tháng trước và cùng kỳ năm 2020.

Số liệu từ báo cáo IHS Markit cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,2 điểm trong tháng 11, cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai liên tiếp, sau thời kỳ giảm 4 tháng liên tiếp do làn sóng dịch Covid-19.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng nCoV mới – Omicron cũng có thể là đòn giáng vào những hy vọng lạc quan rằng kinh tế thế giới sẽ bước đi vững chắc trong năm tới. Bloomberg cũng cho rằng nó có khả năng làm suy yếu kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách khi muốn tập trung vào lạm phát thay vì nhu cầu yếu. Hãng tin này dự báo điều xảy đến tiếp theo sẽ được quyết định bởi những gì các nhà khoa học khám phá được về biến thể Omicron, bao gồm khả năng kháng vaccine và khả năng lây truyền.

Ảnh minh họa

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng 2021 cũng là năm mà cơ hội huy động vốn trên thị trường chứng khoán rộng mở hơn bao giờ hết. Thị trường chứng khoán thăng hoa, liên tiếp thiết lập các kỷ lục về thanh khoản, điểm số và càng thể hiện rõ vai trò kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa

“Rất nhiều người chọn đầu tư chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Cơ hội có một không hai để nước ta phát triển thị trường vốn!”, Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Tháng 11, lần đầu tiên số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước vượt 200.000 nghìn đơn vị. Tổng khối lượng mở mới 11 tháng năm 2021 lên 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 năm 2020 và cao hơn con số của cả 5 năm trước.

Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia cũng nhận định năm 2021 là thời điểm vàng để triển khai kế hoạch tăng vốn do tỷ lệ thành công cao. Theo thống kê của Fiin Pro trên các doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên các sàn giao dịch tập trung, số lượng cổ phiếu được lên kế hoạch chào bán huy động vốn trong giai đoạn 2021-2023 là hơn 20,5 tỷ đơn vị, riêng thực hiện trong năm nay là 19,87 tỷ đơn vị. Phương thức thực hiện đa dạng gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, ESOP và đấu giá rộng rãi ra công chúng. Ngân hàng, bất động sản và chứng khoán là 3 nhóm tăng vốn nhiều nhất, mục đích để nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động. 

Năm 2021 là cơ hội huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng sau dịch
Năm 2021 là cơ hội huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng sau dịch.
Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 7,4 tỷ cổ phiếu được chào bán, tương đương hơn 94.700 tỷ đồng huy động qua kênh chứng khoán. Vietnam Airlines huy động được nhiều nhất với gần 8.000 tỷ đồng. Hàng loạt ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, MBBank, SHB, VPBank, ABBank, LietVietPostBank, SeABank… lên kế hoạch huy động vốn trong năm nay, có 4 đơn vị thực sự triển khai gồm TPBank, SeABank, SHB và ABBank.

Nhóm doanh nghiệp tích cực nhất và thành công nhất phải kể đến các công ty chứng khoán. Hàng loạt doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ chào bán tổng cộng hàng tỷ cổ phiếu để như SSI, VNDirect, VIX, SHS, TPS… Mặc dù đã huy động được nguồn vốn lớn nhưng so với tốc độ tăng thanh khoản thì dường như chưa đủ. Nhiều công ty chứng khoán chuẩn bị chào bán cổ phiếu lần 2 như SSI, VNDirect, VIX…

Nhóm bất động sản cũng góp mặt nhiều doanh nghiệp trong top đầu chào bán cổ phiếu tăng vốn xong trong năm nay như Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, Thaiholdings, Đô thị Kinh Bắc, Bất động sản Thế Kỷ, Becamex IJC, Novaland, DIC Corp…

Mặc dù thị trường chứng khoán sôi động là cơ hội tốt nhưng là năm đầu tiên áp dụng nhiều luật mới cùng yếu tố dịch bệnh khiến cho quá trình hoàn thiện hồ sơ phát hành cổ phiếu bị kéo dài hơn dự kiến.

Trái ngược hoàn toàn với sự sôi động của các doanh nghiệp trên sàn, hoạt động thoái vốn Nhà nước hay cổ phần hóa lại không tận dụng được đà sự sôi động của thị trường chứng khoán. Gần như ‘đóng băng’ trong 9 tháng đầu năm, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới khởi động thoái vốn từ đầu tháng 10 với một vài thương vụ đáng chú ý như SCIC thoái vốn Vocarimex, Vinachem thoái vốn Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Phân bón Lâm Thao… Trong khi, hoạt động cổ phần hóa, IPO và niêm yết mới không có nhiều điểm nổi bật.

Trước đây, các thương vụ thoái vốn thành công lớn như Vinamilk hay Sabeco đều có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Dịch bệnh đã trở thành rào cản, hạn chế cơ hội tiếp xúc, trao đổi giữa các bên chính là lý do khiến hoạt động thoái vốn hay cổ phần hóa năm nay có phần ảm đảm.

Việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm xuống mức thấp thời gian qua cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp huy động được lượng lớn vốn qua kênh trái phiếu. Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, lũy kế 11 tháng, tổng giá trị huy động qua kênh trái phiếu là 495.000 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2020. Bên cạnh huy động vốn trong nước thì doanh nghiệp Việt cũng có 4 đợt phát hành ra thị trường quốc tế với tổng trị giá 1,4 tỷ USD. Trong đó, Vingroup huy động được 500 triệu USD, Vinpearl là 425 triệu USD, Bất động sản BIM 200 triệu USD, Novaland 300 triệu USD.

Ảnh minh họa

Tuy trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp thời gian qua, Bộ Tài chính cảnh báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%, trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%.

Ngoài ra, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2021, 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021. SSI Research cho biết, ngay cả các trái phiếu có tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp bất động sản thì chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai, cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành. Việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Mới đây nhất, ngày 11/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an để xem xét xử lý vụ việc Tập đoàn VsetGroup phát hành hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu với giá trị hơn 200 tỷ đồng. VsetGroup chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.

Ảnh minh họa

Năm 2021, hàng loạt luật, nghị định mới có hiệu lực ảnh hưởng đến doanh nghiệp như Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Nghị định 155/2020... Đại diện của doanh nghiệp chia sẻ khá bỡ ngỡ trong thời gian đầu áp dụng, cũng như dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch đề ra. Dù vậy, các doanh nghiệp nhận được sự hướng dẫn cụ thể và đánh giá những thay đổi này sẽ tác động tích cực trong tương lai.

 

Luật mới khiến doanh nghiệp bỡ ngỡ nhưng cũng nhanh chóng thích ứng
Luật mới khiến doanh nghiệp bỡ ngỡ nhưng cũng nhanh chóng thích ứng.
Lấy ví dụ như trong thủ tục phát hành cổ phiếu tăng vốn, Điều 141, Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, doanh nghiệp phải thực hiện xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và thông báo tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) trong trường hợp chưa công bố cụ thệ trước đó…

Để đáp ứng điểm mới này, nhiều doanh nghiệp đã bị chậm tiến độ tăng vốn như HHS, Bamboo Capital, Licogi 16, Tập đoàn Sao Mai… Các doanh nghiệp này phải tiến hành lấy ý kiến cổ đông điều chỉnh ngành nghề kinh doanh, xác định rõ tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và cam kết phương án phát hành không ảnh hưởng đến tỷ lệ này.

Đại diện HHS cho biết cũng như các doanh nghiệp thành lập từ lâu đều đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những lĩnh vực thực tế không hoạt động. Qua yêu cầu này, doanh nghiệp rà soát lại lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, tránh chồng chéo và làm rõ tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Bà Lê Thị Phương Nam, Phó Tổng giám đốc – đại diện công bố thông tin Licogi 16 chia sẻ kế hoạch tăng vốn chậm so với kế hoạch, một phần do dịch bệnh khiến kênh liên lạc với cơ quan chức năng không được thông suất. Đồng thời, có nhiều đổi mới liên quan đến xác định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, song công ty nhận được sự hướng dẫn tận tình của cơ quan Nhà nước và thao tác thực hiện khá đơn giản.

Một quy định khác liên quan đến việc mua cổ phiếu quỹ cũng khiến doanh nghiệp lúng túng. Vào đầu năm, khi giá cổ phiếu HSG giảm mạnh, ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen đã quyết định mua vào 22 triệu cổ phiếu để bình ổn giá. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp phải dừng kế hoạch và tiến hành lấy ký kiến cổ đông.

Theo luật mới, công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính mình phải tiến hành xin ý kiến cổ đông thông qua để giảm vốn điều lệ. Trong khi trước đây, doanh nghiệp muốn mua lại cổ phiếu của chỉ cần công khai thông tin mục đích, số lượng, nguồn vốn mua và thời gian thực hiện. Quy định mới này khiến doanh nghiệp khó có thể dùng cổ phiếu quỹ như một công cụ để bình ổn giá hay sinh lời cho cổ đông.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán năm 2019 cũng đã thay đổi các điều kiện về công ty đại chúng. Cụ thể, công ty đại chúng theo quy định mới thuộc 1 trong 2 trường hợp (1) đã chào bán cổ phiếu ra công chúng (không thay đổi so với quy định cũ) hoặc (2) phải có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên, tăng so với mốc 10 tỷ ở quy định cũ; có 10% số lượt cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ (quy định cũ chỉ cần ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu).

 

Nhiều cổ phiếu phải rời sàn chứng khoán do không đáp ứng điều kiện công ty đại chúng.
Nhiều cổ phiếu phải rời sàn chứng khoán do không đáp ứng điều kiện công ty đại chúng..
Điều này dẫn đến việc hàng loạt cổ phiếu phải rời khỏi sàn giao dịch chứng khoán, tức hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM như Cảng Cam Ranh, Thép Đà Nẵng, Môi trường và Công trình Đô thị Sơn Tây, Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng, Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng…

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông điệp xuyên suốt trong quá trình sửa đổi luật là hướng tới mục tiêu thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, tiệm cận với thông lệ tốt và chuẩn mực quốc tế. Do vậy, khi các luật mới như Luật Doanh nghiệp, Chứng khoán, Đầu tư… đi vào thực thi từ 2021 được kỳ vọng cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, gia tăng niềm tin nhà đầu tư và từ đó thu hút mạnh hơn dòng vốn vào thị trường chứng khoán.

Theo NDH