Mạnh tay cắt giảm chi phí kinh doanh

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, theo phản ánh của các DN, vấn đề họ mong mỏi nhất chính là sự hỗ trợ về chính sách. Song thực tế cho thấy thời gian qua vẫn xuất hiện những quy định mới làm gia tăng chi phí kinh doanh. Theo các chuyên gia, chưa cần tính tới việc thực hiện các gói hỗ trợ, chỉ cần đẩy mạnh việc cắt giảm các quy định, điều kiện kinh doanh, cũng sẽ giúp giảm thời gian, chi phí và rủi ro cho DN.

Điều kiện kinh doanh tiếp tục biến tướng

Ngay từ ngày đầu năm 2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Qua đó thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới của Chính phủ đối với môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khoảng 5 năm qua, các bộ, ngành cũng đã tích cực vào cuộc thể hiện qua việc đã rà soát, bãi bỏ được khoảng 2.500 quy định về điều kiện kinh doanh.

Chi phí logistic của quốc gia hiện chiếm tới 21% GDP, thuộc nhóm cao nhất thế giới

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thời gian vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo rất mạnh mẽ liên quan đến việc cắt giảm các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, khiến một số bộ ngành bị giảm bớt quyền, và có xu hướng tìm mọi cách thức bổ sung, đưa vào các văn bản để tăng quyền. Chẳng hạn quy định mới về mã số mã vạch khiến nhiều DN thuỷ sản không thực hiện nổi và bị mất, lỡ lô hàng, bị phạt rất nhiều tiền. Tuy nhiên việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh chủ yếu còn dưới hình thức đơn giản hoá, theo hướng giảm mức độ yêu cầu, hoặc sửa đổi mang tính hình thức, thay vì cắt bỏ hẳn điều kiện.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM phân tích, ở Việt Nam, một quy định pháp luật có khả năng tạo ra 5 loại chi phí mà không chỉ tạo thêm gánh nặng, còn có thể giết chết DN. Đó là chi phí thủ tục hành chính, chi phí cơ hội, chi phí đầu tư, phí và lệ phí, và chi phí không chính thức.

Trong đó chi phí lớn nhất là đầu tư, đôi khi chỉ một quy định nhỏ trong luật cũng có thể phát sinh ra chi phí rất lớn. Ví dụ quy định các xe ô tô kinh doanh dịch vụ chở hành khách phải treo bảng điện tử, có dấu hiện nhận diện. Hoặc quy định đại lý kinh doanh ga phải trang bị số bình ga tối thiểu, khiến nhiều DN rơi vào cảnh khốn đốn.

Về chi phí cơ hội có thể gây ra cạnh tranh không bình đẳng và bóp chết các DN nhỏ. Chẳng hạn một DN lớn nhập khẩu hàng về và thông quan trong 1 giờ, trong khi DN khác cũng nhập khẩu mặt hàng tương tự, thông quan 3 ngày thì rõ ràng DN thông quan 1 giờ sẽ có lợi thế hơn vì có thể bán ngay ngoài thị trường. “Với chi phí cơ hội, nếu quy định pháp luật không rõ ràng, minh bạch sẽ tạo chi phí không chính thức. Cho nên gánh nặng pháp luật có thể tạo ra rào cản giết chết DN”, ông Hiếu nói.

Để giải quyết triệt để tình trạng này, ông Hiếu cho rằng cần có cơ quan giám sát việc thực hiện. Theo ông Hiếu, cần có một cơ quan thực hiện 5 chức năng cơ bản trong bối cảnh hiện nay. Đó là kiểm soát chất lượng quy trình soạn thảo văn bản; xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định; nâng cao quy định một cách có hệ thống; đầu mối, phối hợp trong soạn thảo, ban hành; xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, thực tiễn mới.

Giảm chi phí là giải pháp nhanh và ít tốn kém nhất

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản cũng chỉ ra những quy định phát sinh gần đây khiến hàng loạt DN trong ngành này dính đòn. Đó là quy định về mã số mã vạch, và mới đây nhất là việc nhiều DN thủy sản bị áp mức thuế suất thuế thu nhập DN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức ưu đãi là 10%.

Vị này cho rằng các chương trình cải cách tư pháp trong 5 năm vừa qua được phát động rất mạnh, ở tất cả các bộ, ngành đều có bộ phận cải cách thủ tục hành chính nhưng hoạt động khá yếu. “Tôi nghĩ trọng số phải nằm ở Bộ Tư pháp, trong chuyện này Bộ Tư pháp phải là người “gác cổng”, mà không hiểu sao cơ quan này lại chỉ kiểm soát từ nghị định trở lên, khiến cho các quy định, điều kiện kinh doanh sau đó dồn xuống thông tư, và sau đó là xuống hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”, ông Nam lo ngại.

TS. Phùng Đức Tùng - Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mê-kông cho rằng, giải pháp khả thi và dễ làm nhất hiện nay để hỗ trợ DN chính là cắt giảm các loại chi phí để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và sức cầu nội lực. Đơn cử chi phí logistic của quốc gia hiện chiếm tới 21% GDP, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong khi đó Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở nhất thế giới, với tổng lưu lượng hàng hóa đi vào - ra khỏi Việt Nam khoảng trên 500 tỷ USD/năm, gấp đôi GDP. Giảm được phí này mới tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và thúc đẩy được xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các điểm nghẽn tại các cửa khẩu chủ lực giúp hàng xuất, nhập khẩu được thông quan nhanh, giảm chi phí, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt. Riêng cửa khẩu hàng không Nội Bài, hiện chiếm tới 75% giá trị xuất khẩu hàng hóa qua đường hàng không, đang rất cần đẩy nhanh đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh thứ ba, nâng cấp ga hàng hóa, xây dựng các kho trung chuyển.

“Các tập đoàn lớn như Samsung, Apple sẽ không mở rộng sản xuất ở Việt Nam nếu thấy đường hạ, cất cánh đang ngày càng tắc nghẽn. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực hải quan giúp thông quan nhanh hàng hóa thông qua việc bổ sung nhân lực cho các cửa khẩu này, giảm các thủ tục để thông quan nhanh nhất”, ông Tùng khuyến nghị.

Theo các chuyên gia, chính sách giảm thuế, phí luôn tác động tức thời đến các DN. Trước đây chưa có Covid-19, DN có thể không cần. Tuy nhiên hiện nay các động tác can thiệp trên sẽ giúp các loại chi phí liên quan đến sản xuất hàng hoá giảm tức thời và tăng được sức cạnh tranh của hàng hoá. Bên cạnh đó, việc giảm chi phí thông qua sửa đổi các quy định của pháp luật cũng là giải pháp ít tốn kém nhất và tác động nhanh nhất trong bối cảnh hiện nay.

Khanh Đoàn