Chính sách tiền tệ 2025-2026: Dòng tiền, lãi suất sẽ ra sao? |
Đối với chính sách tiền tệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ đã đề ra...
Các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số… để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…); tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh; phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16% so với năm 2024. Tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch.
![]() |
Chỉ đạo mới của Thủ tướng về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Ảnh minh họa |
Điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, hài hòa, cân bằng hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, nhất là việc điều chỉnh chính sách của FED và các ngân hàng trung ương, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo và có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đa dạng hóa các kênh cung ứng ngoại tệ, ổn định giá trị đồng Việt Nam, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng; chuyển việc điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường và đánh giá rủi ro của từng tổ chức tín dụng, xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, bảo đảm thúc đẩy phân bổ vốn tín dụng chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; hoàn thành trong tháng 7 năm 2025.
Đẩy mạnh chương trình tín dụng đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15 tháng 7 năm 2025.
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác. Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; hiện đại hóa công tác quản lý thuế, quyết liệt thực hiện quy định về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng ít nhất 20% so với dự toán.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, trong đó tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 7 tháng cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ an sinh xã hội và xây dựng trường nội trú, bán trú cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc khu, hải đảo.
Bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí chi trả chính sách, chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP và các nhiệm vụ phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp…
Triển khai hiệu quả các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các cơ chế, chính sách khác để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giữ sạch môi trường; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam.
Triển khai các biện pháp theo quy định để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Rà soát, đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam; xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/7/2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ; phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng 11-12% so với năm 2024...