Điện lực là ngành kinh tế cần đi trước một bước cho phát triển. |
Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương, 81 điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Điện lực năm 2024 thay thế Luật Điện lực ngày 3/12/2004; được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), sau gần 20 năm triển khai thi hành.
Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Luật Điện lực (sửa đổi) quy định việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý, đồng bộ với phát triển lưới điện và quy hoạch phát triển điện lực.
Có thể nói Luật Điện lực (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia trong trước mắt và lâu dài.
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Việc sửa đổi Luật Điện lực được đánh giá là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để phát triển ngành điện.
Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề mang tính cấp bách và càng sớm được thông qua càng tốt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội theo những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, đồng thời phù hợp với định hướng zero carbon toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết.
Theo nội dung tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024). Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan có liên quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương đã dày công nghiên cứu dự án Luật Điện lực (sửa đổi), khảo sát, hội thảo, tổ chức họp thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để các vị đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến về dự án Luật, sau đó mới báo cáo với Quốc hội.
Điều này thể hiện việc làm công phu, rà đi soát lại nhiều lần, nghiêm túc, tuân thủ tuyệt đối, thận trọng quy trình lập pháp để bảo đảm chất lượng của dự án luật rất quan trọng đối với ngành điện lực, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển điện lực trước khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định.
Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua là một sự kiện quan trọng, mang tính đột phá, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Luật Điện lực 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.