Trước tiên, cần phải khẳng định rằng liên kết doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời hội nhập để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng hơn 700 nghìn các doanh nghiệp hoạt động ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, bởi vậy vấn đề liên kết doanh nghiệp đang được các bộ ngành rất quan tâm. Tuy nhiên, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của liên kết vẫn còn hạn hẹp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thực tế, hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” hoặc “làm tất ăn cả”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng.
Mặt khác, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá và phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.
Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có. Những hạn chế này là những lý do khiến các doanh nghiệp Việt yếu thế, không thể cạnh tranh với tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà, chưa kể thị trường thế giới. Cũng chính vì thiếu liên kết, hoạt động nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp Việt Nam đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng của công ty nước ngoài bởi năng lực hạn hẹp, công nghệ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng và số lượng của đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa vẫn còn lỏng lẻo. Doanh nghiệp Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp. Số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn hạn chế, nhất là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp.
Xác định vai trò quan trọng của liên kết doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota... tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng làm việc với các địa phương nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng cũng như hình thành các cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên thông; tạo không gian phát triển mới, chuỗi cung ứng mới.
Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nhằm kết nối và tăng cường cơ hội hợp tác để từng bước đưa sản phẩm Việt vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đầu tư, lựa chọn công nghệ mới, mô hình kinh doanh nhằm tạo ra thị trường, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm trung gian, dịch vụ phụ trợ, tạo liên kết chặt chẽ để hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững.
Thanh Tùng