Ngập tràn nội dung phản cảm
Hình ảnh dạy trẻ em cách ăn trộm tiền trong heo đất gây phản cảm với người xem trên kênh youtube Hưng Vlog
Gần đây nhất, cộng đồng mạng bức xúc về một video thiếu lành mạnh có nội dung dạy trẻ em cách trộm tiền trong heo đất trên kênh Youtube Hưng Vlog- một kênh có hơn 3 triệu người theo dõi của thanh niên tên là Nguyễn Văn Hưng, ở Bắc Giang. Đây là một nội dung vô cùng phản giáo dục, khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Trước sự ném đá ào ạt của dư luận, Hưng Vlog đã tự xóa video này. Điều đáng nói là, trước đó, Nguyễn Văn Hưng đã từng bị Sở Thông tin Tuyên truyền Bắc Giang phạt số tiền 7,5 triệu đồng vì đưa lên tài khoản youtube một nội dung nhảm nhí, trái thuần phong mỹ tục của người Việt, đó là nấu cháo một con gà để nguyên lông. Hưng Vlog nổi tiếng trên mạng vì rất nhiều đã sản xuất rất nhiều video phản cảm để câu kéo người xem. Anh này là con trai của Bà Tân Vlog, cũng là chủ nhân một kênh youtube nổi tiếng ở Việt Nam với những nội dung làm món ăn siêu to siêu khổng lồ và cũng siêu...mất vệ sinh. Chỉ bằng việc sản xuất những nội dung chả đem lại giá trị gì tốt đẹp mấy cho cộng đồng nhưng lại đánh được vào tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người xem, mẹ con Bà Tân Vlog đã trở nên giàu có, thu nhập khủng khiến bao người phải mơ ước, khi được nhà cung cấp youtube bật nút kiếm tiền do các tài khoản của họ có số lượng người theo dõi lớn. Ước tính của SocialBlade, chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới hiện tại về các nền tảng mạng xã hội và YouTube, kênh Hưng Vlog có thể kiếm được số tiền từ 15.400 - 246.300 USD/tháng (ít nhất khoảng 356 triệu đồng).
Bên cạnh những cái tên như Hưng Vlog, Bà Tân Vlog, còn rất nhiều những cái tên kiếm bạc tỉ chỉ nhờ vào việc trục lợi từ sự hiếu kỳ của người xem, thông qua cách chia sẻ những video clip phản cảm. Chẳng hạn, kênh Thơ Nguyễn- có lượng người theo dõi đông đảo là trẻ em, nhưng thường xuyên đưa nội dung dạy trẻ em chơi các trò chơi không lành mạnh như dạy trẻ những trò chơi nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng. Kênh Prank HD nhiều lần dạy trẻ em sử dụng chất cấm. Kênh NTN Vlogs của một thanh niên sinh năm 1984 tên là Nguyễn Thành Nam có tới 9 triệu người theo dõi và đã từng đưa nhiều nội dung độc hại như giả làm IS quăng bom khiến dư luận choáng váng và cơ quan an ninh phải vào cuộc. Kênh Tam Mao TV của 2 anh em Mao huynh và Mao đệ thì thường xuyên đưa cảnh ăn những món ăn sống mất vệ sinh, thậm chí có lúc còn quay cả cảnh xẻ thịt chim quý chia sẻ với người xem. Hàng loạt các kênh youtube khác như Thanh Lương Vlog, PHD Troll, hay Huỳnh Tấn Trường official thì thường xuyên đưa ra những thử thách chết người, dị hợm dị thường để được người xem chú ý.
Hình ảnh dạy trẻ em cách làm nổ chai lọ phản cảm trên kênh youtube Thơ Nguyễn
Coi thường người xem, sản xuất những nội dung thiếu lành mạnh, vi phạm vào những chuẩn mực văn hóa để trục lợi, kiếm tiền là sự thật đang diễn ra hàng giờ trên mạng từ phía rất nhiều youtuber. Họ bất chấp tất cả, kể cả sự phản ứng của dư luận để kiếm tiền. Nhan nhản những nội dung đầu độc thẩm mỹ, nhận thức của giới trẻ kiểu như thử thách sống trong quan tài, uống 5 chai rượu 1 lúc, liếm đồ ăn trên cơ thể người khác, dùng nước ngọt để nấu cơm cho cả nhà ăn….thực sự là một mối lo ngại cho những ai có trách nhiệm với cộng đồng. Nguy hại hơn, giới trẻ sẽ nhìn vào những người kiếm được tiền tỷ chỉ bằng việc làm những nội dung nhảm nhí, thiếu lành mạnh như vậy họ sẽ bắt chước, coi đây là việc giàu tất yếu.
Cộng đồng cần mạnh tay hơn nữa
Kiếm tiền bằng cách sản xuất nội dung trên youtube đang trở thành trào lưu trong giới trẻ
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý mạnh mẽ, quyết liệt với tình trạng mạng xã hội tràn lan các video nhảm nhí, giật gân. Đây là việc cần thiết để từng bước dọn dẹp lại môi trường mạng, loại bỏ dần những đối tượng thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm khi tham gia cộng động mạng, trục lợi người xem bằng những mục đích xấu. Những nội dung xấu độc rõ ràng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nghe-xem-giải trí trên mạng xã hội, phần nào kéo văn hóa nghe-xem của người dùng mạng xã hội đi xuống.
Thực tế thời gian qua, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ thông tin- Truyền thông, các nhà cung cấp như Google, Facebook đã hợp tác phát hiện, tháo gỡ một số lượng không nhỏ những nội dung độc hại. Hàng ngàn video trên kênh youtube đã được google chặn và xóa bỏ. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng nhận định, số lượng video được gỡ bỏ vẫn là rất nhỏ so với số video nhảm nhí còn đang tồn tại trên mạng. Nguyên nhân của tình trạng này liên quan đến quy trình phát hiện, báo cáo, của người xem, và của cơ quan trách nhiệm. Như chúng ta biết, hiện nay các nhà cũng cấp quản lý, kiểm soát các nội dung xấu độc bằng trí tuệ thông minh nhân tạo AI thông qua các thuật toán. Tuy nhiên, người sử dụng mạng xã hội vẫn có cách để qua mắt trí tuệ nhân tạo bằng cách thay đổi các từ khóa. Các nhà làm nội dung còn truyền nhau cách đưa các nội dung vi phạm quy định của nhà cung cấp lên mạng, và thực sự điều này rất dễ dàng. Khi đã được chia sẻ trót lọt trên các trang mạng, để tháo dỡ hoặc chặn được những nội dung độc hại này chỉ còn chờ đợi vào sự kiểm soát của các các đơn vị có chức năng, và quan trọng nhất là người xem. Theo các chuyên gia, các chế tài pháp luật cần thiết cho việc điều chỉnh hành vi của những nhà sản xuất nội dung, hướng họ đi theo những giá trị lành mạnh nếu không muốn bị xử phạt, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố người xem. Sở dĩ những nội dung nhảm nhí, vi phạm vào các nguyên tắc cộng đồng, cổ súy cho cái xấu, giật gân câu khách vẫn cán mốc hàng triệu lượt theo dõi, là bởi người xem trên mạng đã vô tình hoặc cố ý “tiếp tay”. Khi thấy một nội dung độc hại, nhiều người xem không tỏ thái độ bất bình, không lên tiếng để mọi người cùng tẩy chay nội dung đó. Việc nhấn rút report để báo cáo với nhà cung cấp về các nội dung ảnh hưởng xấu đến cộng đồng rất quan trọng. Nếu gặp một video nhảm nhí, mọi người cùng đồng lòng report thì chắc chắn video đó sẽ biến mất nhanh chóng. Việc một kênh youtube hay một video chia sẻ trên kênh cá nhân của ai đó kiếm được nhiều tiền hay không đều phụ thuộc vào lượt theo dõi của người xem, nhưu vậy có thể nói, người xem có một quyền rất lớn, và họ phải biết sử dụng quyền đó cho đúng, cho phù hợp, để nhân lên các nội dung giá trị, dẹp bỏ những nội dung xấu độc. Việt Nam đang là một trong những quốc gia có số lượng video nội dung nhảm nhí nhiều nhất. Theo Bộ Thông tin truyền thông, cứ 10 đồng quảng cáo trên youtube ở Việt Nam thì có tới 5 đồng là quảng cáo trên các nội dung vô bổ. Con số này cho thấy, người xem chưa tận dụng hết quyền của mình, chưa thực sự dùng quyền của mình trong phát hiện, báo cáo những nội dung xấu, xây dựng một môi trường mạng lành mạnh nhất có thể.
Về mặt các chế tài pháp lý, thì chúng ta đã có nhiều quy định cụ thể liên quan đến việc phát tán, chia sẻ những nội dung thiếu lành mạnh trên mạng xã hội. Luật An ninh mạng 2018 cũng quy định: nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc, đăng tải thông tin phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều 101 Nghị định 15/2020/ NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và gia dịch điện tử quy định: hành vi sử dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục mê tín dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội có thể phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định: người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trong trường hợp sử dụng máy tính hoặc mạng viễn thông phạm tội thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong việc xử lý các video có nội dung độc hại, chẳng hạn như quy định cụ thể thế nào là nội dung nhảm nhí để người xem cũng như nhà cung cấp nhận diện chính xác để ngăn chặn ngay từ khi những nội dung này được chia sẻ. Việc xử phạt hành chính hiện nay cũng còn quá nhẹ, cao nhất là 20 triệu đồng, trong khi số tiền các nhà sản xuất nội dung kiếm được khi đưa các thông tin nhảm nhí lên mạng là rất lớn, có thể lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao mức xử phạt thì mới có tính răn đe với những người cố tình đưa những nội dung xấu lên mạng để trục lợi.
Giữ gìn một môi trường mạng trong sạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần thiết trong đời sống công nghệ hôm nay. Thực tế, số lượng người truy cập các trang mạng xã hội ngày càng lớn, để giao lưu, tìm hiểu kiến thức, giải trí. Đây là xu thế chung của toàn nhân loại. Internet đang trở thành một phần không thể thiếu đối với con người. Chính vì vậy, cơ quan chức năng và từng người dân không thể thờ ơ với những cái xấu, cần phải kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong việc loại bỏ những nội dung thiếu lành mạnh ra khỏi môi trường mạng. Chỉ có như vậy chúng ta và con em chúng ta mới không phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực khi trở thành một cư dân của cộng đồng mạng.
Bảo Bình