Tự do ngôn luận không phải là cái cớ để xúc phạm
Mạng xã hội được sinh ra để mở rộng không gian tự do biểu đạt, nâng cao quyền tiếp cận thông tin và phát huy dân chủ. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với quyền xâm phạm đời tư hay xúc phạm người khác.
Một trong những nạn nhân mới nhất của làn sóng tự do không kiểm soát này là bà Chu Thanh Huyền, người nổi tiếng trên mạng xã hội với tư cách là một người tham gia hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội.
Theo bà Huyền, thời gian qua, nhiều tài khoản mạng xã hội đã công khai sử dụng hình ảnh cá nhân của bà để chế giễu, gán ghép thông tin không đúng sự thật, kèm theo những bình luận mang tính miệt thị, phán xét. Các nội dung này nhanh chóng lan rộng, gây tổn hại nặng nề tới tinh thần, danh dự và đời sống cá nhân của bà.
![]() |
Bà Chu Thanh Huyền đã gửi đơn tố cáo nhiều tài khoản mạng xã hội đã công khai sử dụng hình ảnh cá nhân của bà để chế giễu, gán ghép thông tin không đúng sự thật... |
Trong đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an, bà Huyền nêu rõ: “Các thông tin được đăng tải hoàn toàn là bịa đặt, mang tính quy chụp, vu khống. Không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của tôi, mà còn tác động nghiêm trọng đến hình ảnh và tâm lý thi đấu của chồng tôi – cầu thủ Quang Hải, người đang cống hiến cho CLB Công an Hà Nội và Đội tuyển Quốc gia. Tôi đã chuyển mọi thông tin trên tới các cơ quan chức năng, hy vọng sự việc sớm được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật”.
Vụ việc của bà Chu Thanh Huyền không phải là cá biệt. Mấy năm trước, ca sĩ Du Thiên đã tố cáo một nhóm bốn người ở xã Mai Hương, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang về hành vi bôi nhọ và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của anh trên mạng xã hội. Nhóm này thường xuyên cắt ghép, sử dụng hình ảnh của Du Thiên để đăng tải lên các kênh YouTube như "Phan Tom 2", "Phương Phan Tom", "Doanh Phan Tom", "Trai Nghèo TV", nhằm xuyên tạc và bôi nhọ nhân phẩm của anh. Nhóm này còn đưa ra những thông tin sai lệch, cho rằng Du Thiên đã "mua chuộc" cơ quan chức năng, mục đích chỉ để câu like, câu view, kiếm tiền trên YouTube.
Khi mạng xã hội trở thành sân khấu của “vô cảm tập thể”
Trong thế giới của TikTok và Facebook, những nội dung giật gân thường được ưu tiên hơn là sự thật. Chỉ với vài đoạn video cắt ghép, nhạc nền, lời bình ác ý, người đăng tải có thể nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác – nhưng cái giá xã hội phải trả là sự xuống cấp đạo đức và mất niềm tin vào môi trường mạng.
Một số người bất chấp hậu quả pháp lý, chấp nhận “kiếm fame” từ việc khai thác đời tư người khác làm trò tiêu khiển.Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là không ít người dùng mạng xã hội sẵn sàng lan truyền những thông tin sai sự thật mà không cần kiểm chứng. Vì vài lượt thích hay chia sẻ, nhiều người sẵn sàng tiếp tay cho hành vi bôi nhọ người khác, vô tình trở thành một phần của "đám đông công kích".
![]() |
Hiện tượng này phản ánh sự vô cảm tập thể trên không gian mạng – khi người dùng không nhận thức được nỗi đau mà họ gây ra cho người khác, bởi sự thỏa mãn nhất thời đã che mờ sự đồng cảm và đạo đức cá nhân.
Tổn thương mà bà Chu Thanh Huyền và nhiều nạn nhân khác phải chịu không chỉ dừng lại ở cảm xúc nhất thời, mà là những hệ quả lâu dài về tâm lý, các mối quan hệ xã hội, thậm chí là sức khỏe tinh thần.
Pháp luật đứng về phía nạn nhân
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rõ ràng nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm và quyền riêng tư cá nhân:
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm”. Điều 32 của cùng bộ luật cũng nêu rõ: “Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý”. Điều 155 và 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định các hành vi làm nhục và vu khống người khác có thể bị xử lý hình sự với mức phạt lên đến 5 năm tù giam.
Về xử phạt hành chính, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi phát tán thông tin sai sự thật.
Việc bà Chu Thanh Huyền nộp đơn tố cáo thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền và nhân phẩm của bản thân trước những hành vi xâm hại trên không gian mạng sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Hành trình pháp lý của bà Chu Thanh Huyền có thể sẽ không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà còn là tiền lệ quan trọng cho việc bảo vệ quyền riêng tư, danh dự và nhân phẩm trong kỷ nguyên số.