Hai yếu tố có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. (Ảnh: Rebecca Zisser/BI). |
Trong một podcast gần đây, Ngân hàng Morgan Stanley đã chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn đang đe dọa nền kinh tế Hoa Kỳ, dù tăng trưởng vẫn bền vững và việc làm vẫn mạnh mẽ trong năm nay.
Một là, tình trạng sa thải nhân viên có thể gia tăng, và nguy cơ áp thuế nhiều hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống vẫn đang hiện hữu. Theo ông Seth Carpenter, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng, hai yếu tố này có thể đẩy Mỹ vào kịch bản "hạ cánh cứng".
Theo đó, ông Carpenter nhấn mạnh những rủi ro trên thị trường lao động, khi phần lớn các công ty đã lấp đầy vị trí tuyển dụng sau tình trạng thiếu lao động trong đại dịch. Tổng số cơ hội việc làm ở Mỹ vào tháng 8 là khoảng 8 triệu - giảm 34% so với mức đỉnh vào tháng 3 năm 2022, theo Cục Thống kê Lao động.
Nếu nền kinh tế chậm lại vì bất kỳ lý do nào, chẳng hạn như do tác động cộng dồn từ các đợt tăng lãi suất liên tiếp kể từ năm 2022, các nhà tuyển dụng có khả năng sẽ sa thải nhân viên nhiều hơn so với một năm trước, ông Carpenter cho biết.
“Và điều này thường góp phần dẫn đến suy thoái. Một sự chậm lại, sau đó người lao động bị sa thải, những người bị sa thải chi tiêu ít hơn, nền kinh tế chậm lại hơn, và nó tiếp tục lan rộng”, ông nói thêm. “Vì vậy, nếu chúng ta thực sự có một sự chậm lại lớn vì lý do nào đó, có thể sẽ có nhiều rủi ro hơn so với năm ngoái”.
Các công ty Mỹ đã công bố kế hoạch cắt giảm 609.242 việc làm từ đầu năm đến tháng 9, tăng 0,8% so với số lượng cắt giảm công bố cùng kỳ năm ngoái, theo phân tích của Challenger, Gray & Christmas.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác có thể đẩy Mỹ vào suy thoái xuất phát từ khả năng áp thuế sau cuộc bầu cử Tổng thống, với việc ông Trump cam kết áp 10% thuế lên gần như tất cả các mặt hàng nhập khẩu, và 60% thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, những biện pháp này mang tính lạm phát và có thể làm tăng giá tiêu dùng, dẫn đến việc người dân chi tiêu ít hơn và gây ra sự chậm lại, ông Carpenter nhận định.
Thuế quan cũng có thể khiến giá cả các sản phẩm đầu vào mà nhà sản xuất cần trong các ngành công nghiệp tăng cao. Điều này có thể khiến các công ty sản xuất ít hơn hoặc đầu tư ít hơn vào sản xuất, một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự chậm lại.
Nếu ông Trump thực hiện đồng thời thuế 10% và thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc, lạm phát có thể tăng thêm 0,9 điểm phần trăm, theo dự báo của Morgan Stanley. Trong khi đó, GDP có thể giảm tới 1,5 điểm phần trăm, tương đương với việc tăng trưởng GDP của quý III bị cắt giảm một nửa.
“Vì vậy, đây là một trong những yếu tố có thể khiến dự báo của tôi sai”, ông Carpenter nói về dự đoán suy thoái của mình, dù ông nhấn mạnh rằng, suy thoái không phải là một kịch bản cơ sở. “Nó có thể là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế, nhưng đó là một trong những yếu tố có nhiều bất ổn, vì vậy chúng tôi phải đánh dấu nó như một rủi ro cho khách hàng”.
Triển vọng kinh tế Mỹ đã sáng sủa hơn trong những tháng gần đây, và phần lớn các chuyên gia dự báo trên Phố Wall đang tự tin hơn về khả năng "hạ cánh mềm" hoặc thậm chí "không hạ cánh" - một tình huống mà nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng theo cách có thể làm bùng nổ lạm phát trở lại.
Tính đến tháng 9 vừa qua, nền kinh tế Hoa Kỳ có tới 57% khả năng rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới, theo dự báo mới nhất của Fed New York.
Ông Carpenter nói thêm: “Chúng tôi đã khá lạc quan trong suốt chu kỳ tăng lãi suất. Trên thực tế, chúng tôi đã kêu gọi một kịch bản hạ cánh mềm. Và nếu có điều gì đó mà chúng tôi sai trong dự báo của mình cho đến nay, thì đó là mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp hơn cả những gì chúng tôi dám hy vọng”.