Kịch bản nền kinh tế Mỹ “không hạ cánh” ngày càng trở nên rõ ràng. (Ảnh: Alyssa Powell/BI). |
Nền kinh tế Mỹ hiện tại có thể đặt ra thách thức lớn cho những ai kỳ vọng về động thái cắt giảm lãi suất tiếp theo. Kịch bản "không hạ cánh" là khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng lại khiến lạm phát quay trở lại, đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thế khó trong việc cắt giảm lãi suất. Điều này sẽ có tác động sâu rộng tới nhiều nhóm người: từ người tiêu dùng kỳ vọng giá cả sẽ hạ nhiệt, người đi vay mong muốn lãi suất tốt, cho tới những người mua nhà chờ đợi mức lãi suất hấp dẫn hơn cho các khoản vay thế chấp.
Theo đó, nhiều dữ liệu kinh tế đã củng cố cho lập luận về việc nền kinh tế Mỹ sẽ không hạ cánh. Mới nhất là báo cáo lạm phát vào thứ Năm (10/10) vừa qua, cho thấy giá tiêu dùng đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tháng trước đó nhưng vẫn vượt qua mốc dự báo là 2,3%.
Trước đó, báo cáo việc làm tháng 9 tại Hoa Kỳ cũng đã vượt xa kỳ vọng, với 254.000 việc làm mới được tạo ra, đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 4,1%. Đồng thời, số liệu việc làm của tháng 7 và 8 cũng được điều chỉnh tăng.
Những con số này cho thấy nền kinh tế Mỹ không hề suy yếu bất chấp lãi suất cao kéo dài, đồng nghĩa với việc Fed có thể không cần nới lỏng thêm chính sách tiền tệ như đã dự đoán.
Ông Ed Yardeni, Chủ tịch của Yardeni Research, dự đoán rằng, Fed sẽ không đưa ra thêm lần cắt giảm lãi suất nào nữa trong năm nay.
“Báo cáo việc làm mạnh mẽ trong tháng 9 và các điều chỉnh tăng trong tháng 7 và 8 đã loại bỏ hoàn toàn kịch bản hạ cánh cứng", ông Yardeni cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng.
Khi kịch bản "không hạ cánh" dần được định giá trên thị trường trái phiếu, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã vượt 4% trong tuần này, ngành bất động sản là một trong những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động.
Cụ thể, lãi suất vay mua nhà kỳ hạn 30 năm đã tiếp tục tăng, thay vì giảm xuống sau đợt hạ lãi suất mạnh tay vừa qua của Fed. Tuy nhiên, cách mà các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến chi phí vay thế chấp vẫn còn chưa rõ ràng, và sẽ phụ thuộc vào phản ứng của thị trường trái phiếu trước những dữ liệu sắp tới.
Bên cạnh đó cũng tồn tại một rủi ro thứ hai. Khi nền kinh tế Mỹ tăng tốc trở lại, lạm phát có thể một lần nữa trở thành mối lo lớn, củng cố triển vọng lãi suất “cao kéo dài” vốn đã bị lu mờ sau đợt cắt giảm lãi suất lớn gần đây của Fed.
"Tăng trưởng việc làm mạnh mẽ có thể kéo giá cả tăng theo, khiến Fed càng thêm khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát. Chúng tôi tin rằng báo cáo việc làm vừa qua đã loại bỏ khả năng Fed sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11 tới", bà Megan Horneman, Giám đốc Đầu tư tại Verdence Capital Advisors, cho biết.
Ông Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng tại TS Lombard, cũng đồng tình với nhận định này. “Fed sẽ không hạ lãi suất xuống mức 3%, và mức lãi suất tối đa hiện tại vẫn sẽ được cho là quá thấp. Lạm phát sau đó có thể sẽ tăng trở lại, buộc Fed phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến", ông nhận định.
“Rủi ro lớn nhất hiện nay là thị trường không tính đến kịch bản này, rằng có thể sẽ không có sự hạ cánh nào cả”.
Đối với người tiêu dùng Mỹ, vốn đã phải đối mặt với mức lãi suất vay cao trong hai năm qua, những diễn biến này là một tin không mấy tốt đẹp.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng từ các ngân hàng thương mại đã tăng lên 21,7% trong tháng 8, mức cao nhất trong ít nhất 20 năm qua, theo dữ liệu từ Fed. Ngoài ra, lãi suất cho các khoản vay mua ô tô kỳ hạn 48 tháng cũng đã tăng lên 8,6% trong tháng 8, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Dữ liệu từ Fed Philadelphia cũng cho thấy, giá trị các khoản vay thế chấp mới tại các ngân hàng lớn đã giảm mạnh xuống còn 44 tỷ USD trong quý II, giảm sâu từ mức đỉnh 212 tỷ USD vào năm 2021.
“Dù lãi suất tham chiếu đã giảm, hầu hết người đi vay vẫn không cảm thấy nhẹ nhõm với chi phí vay cao", Mark Hamrick, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bankrate, nhận định. "Việc vay vốn và chi trả cho các chi tiêu lớn như nhà cửa, xe hơi hay đồ gia dụng vẫn là một gánh nặng đối với nhiều người Mỹ, dù họ sử dụng thẻ tín dụng hay là các khoản vay khác".