Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua Hà Tĩnh có tổng chiều dài 102,38 km với 3 dự án thành phần là Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 tuyến kết nối là đường Ngô Quyền – ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1 với chiều dài 12,18km.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn khoáng sản cho dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) và các bên liên quan, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2939 ngày 06/6/2022 thống nhất nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường phục vụ dự án. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận nguồn đá xây dựng với 16 khu vực đều đã được cấp phép khai thác, nguồn cát với 3 khu vực (2 khu vực đã cấp phép khai thác, 1 khu vực đã quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác) và nguồn đất đắp với 23 khu vực (11 khu vực đã cấp phép khai thác, 11 khu vực quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác, 1 khu vực đang đề nghị bổ sung Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030).
Tuynhiên, nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng phục vụ công trình dự án trọng điểm này là rất lớn. Theo tính toán của Ban QLDA - chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, nhu cầu khối lượng VLXD cần cho việc thi công là đất đắp 12,228 triệu m3; cát 2,143 triệu m3 và 1,4 triệu m3 đá xây dựng. Ngoài ra, một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung về thủ tục, hồ sơ liên quan tới đất đai, đăng ký khối lượng khai thác, thủ tục chuyển đổi đất rừng, thuê đất, bảo vệ môi trường... cũnglà nguyên nhân khiến nguồn VLXD thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh chưa đáp ứng kịp thời.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường để đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác/năm của các tổ chức để cung cấp đủ, kịp thời VLXD theo tiến độ triển khai dự án.
Chính phủ và Bộ GTVT cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, thành lập các tổ công tác kiểm tra thực tế hiện trường, làm việc với các địa phương nhằm gỡvướngnguồn VLXD, đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ.
Tỉnh Hà Tĩnh tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư và đơn vị thi công trong việc đẩy nhanh trình tự thủ tục, hoàn thiện hồ sơ khai thác các mỏ VLXD mới, nâng công suất mỏ đang khai thác.
Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII vừa qua, đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục các công trình dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ từ năm 2023, trong đó có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp đối với 6 khu vực mỏ đất san lấp, phục vụ cho dự án cao tốc Bắc – Nam.
Sau khi được thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các khu vực mỏ khoáng sản, các nhà thầu tiếp tục hoàn thiện các nội dung còn lại trước khi tiến hành khai thác.
Ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho hay: “Số lượng mỏ VLXD thông thường mà nhà thầu thi công 2 dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng đề xuất thực hiện hồ sơ đăng ký khai thác là 11 mỏ. Hiện tỉnh đã xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho 10 mỏ, 1 mỏ đang xem xét. Trường hợp cấp phép hết 11 khu vực mỏ khoáng sản trênthì cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn VLXD thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Khối lượng khoáng sản còn thiếu sẽ được nhà thầu thi công mua tại các mỏ thương mại đang khai thác trên địa bàn tỉnh và Quảng Bình”.
Tâm Đan