Bài liên quan |
Hà Tĩnh quyết liệt giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam |
Hà Tĩnh đã có phường đầu tiên cấp sổ đỏ sau sáp nhập hành chính |
Thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, tính đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh có hơn 1.550 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 550.000 tỷ đồng; trong đó gồm hơn 1.480 dự án trong nước với tổng vốn hơn 150.000 tỷ đồng, 73 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 16,1 tỷ USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án, tăng 3 dự án so với cùng kỳ năm 2024. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 16.500 tỷ đồng và 12,93 triệu USD, gấp 3 lần về quy mô vốn so với cùng kỳ. Trong đó có 18 dự án trong nước và 2 dự án FDI, đều được triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng – khu vực động lực phát triển công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
![]() |
Hà Tĩnh thu hút đầu tư khởi sắc, nguồn vốn ngày càng đa dạng |
Đáng chú ý, các dự án FDI mới gồm Nhà máy sản xuất tinh luyện Ferro Chromnium Cacbon thấp Lirr Việt Nam và Nhà máy sản xuất cây thông Noel nhân tạo, phản ánh sự đa dạng hóa các ngành nghề đầu tư và tiềm năng mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất chuyên biệt.
Bên cạnh cấp mới, Hà Tĩnh cũng tiến hành điều chỉnh chủ trương và giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án, với mức điều chỉnh giảm vốn khoảng 621,8 tỷ đồng. Tổng cộng, các khu kinh tế và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang duy trì 198 dự án còn hiệu lực, tạo nền tảng ổn định cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.
Bản đồ đầu tư tại Hà Tĩnh ngày càng phong phú, không chỉ tập trung vào công nghiệp – năng lượng, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực bất động sản đô thị, thương mại – dịch vụ, du lịch và tài nguyên – môi trường. Một số dự án quy mô lớn đáng chú ý được phê duyệt thời gian gần đây gồm: Khu đô thị mới tại thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc cũ) với vốn đăng ký trên 1.300 tỷ đồng; Công viên Nghĩa trang Thiên Cầm với tổng vốn hơn 145 tỷ đồng; Khu dân cư An Hòa Thịnh tại xã Sơn Tiến (huyện Hương Sơn cũ) với quy mô đầu tư 195 tỷ đồng.
Các dự án này không chỉ gia tăng quy mô tổng vốn đầu tư, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng sống và đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hiện đại, thân thiện môi trường.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, kết quả tích cực nêu trên là thành quả của loạt giải pháp đồng bộ được triển khai thời gian qua. Tỉnh đã tập trung điều chỉnh, cập nhật quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021–2030, đảm bảo tính đồng bộ trong phân bố không gian phát triển.
Cùng với đó là các giải pháp về giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, giúp rút ngắn thời gian triển khai của nhà đầu tư, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận thị trường.
Về thủ tục hành chính, tỉnh rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp chỉ còn trung bình 1,2 ngày, giảm 1,8 ngày so với quy định. Đặc biệt, 100% hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư được xử lý trực tuyến, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.
Hà Tĩnh cũng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ miễn, giảm thuế – phí, đến hỗ trợ hạ tầng, đào tạo lao động và xúc tiến đầu tư. Những chính sách này đóng vai trò như “cú hích” giúp tỉnh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt giữa các địa phương, kết quả thu hút vốn trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy Hà Tĩnh đang từng bước khẳng định lợi thế và nâng cao sức hấp dẫn đầu tư thông qua sự chủ động trong cải cách hành chính, đồng bộ hạ tầng, chính sách linh hoạt.