GS. TS. Hoàng Xuân Cơ: Thảm họa môi trường Formosa là “bài học” cho doanh nghiệp ngành Thép

11:35 06/10/2023

Theo GS. TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, vụ thảm họa môi trường Formosa (Hà Tĩnh) năm 2016 là một bài học cho các doanh nghiệp ngành Thép.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 - COP 26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp là đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng đề cập tới việc sử dụng than trong sản xuất và đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.

Vậy phát thải ròng là gì? Phát thải ròng là phát thải khí nhà kính vào không khí. Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, net zero - phát thải ròng bằng 0 nghĩa là cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống càng gần bằng 0 càng sớm càng tốt. Lượng khí thải còn lại cũng phải được hấp thụ lại vào bầu khí quyển bởi đại dương và rừng.

Hiện nay, Việt Nam đang có phát thải ròng lớn hơn 0, tức là lượng phát thải lớn hơn lượng hấp thụ trong không khí. Việc nước ta có đạt được như cam kết tại COP 26 hay không còn phải phụ thuộc vào 2 yếu tố.

Ảnh minh họa
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đầu tiên, COP 26 đang nỗ lực đi đến một thỏa thuận giảm sản xuất nhiệt điện dùng than và đưa vào điều kiện là từ năm 2030 là không xây dựng các nhà máy dùng than. Tuy nhiên, điều này không đưa được vào cam kết vì 2 quốc gia tỷ dân - Trung Quốc và Ấn Độ phản đối đến tận cùng. Các quốc gia này chỉ cam kết hạn chế việc sử dụng than sản xuất điện, không cấm hoàn toàn.

Thứ hai, Việt Nam có điều kiện tốt để phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió…Đây là một trong những căn cứ được Thủ tướng cho rằng nước ta có cơ sở để chuyển dần dần việc không sử dụng nhiệt điện than.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng sẽ gây một áp lực rất lớn cho ngành điện vì hiện tại, giá của điện gió và điện mặt trời cao. Do đó, nhà nước phải trợ giá, yêu cầu EVN mua điện gió và điện mặt trời. Khi EVN mua với giá cao hơn, giá bán sẽ bị đẩy lên, đè nặng chi phí lên người dân, doanh nghiệp sản xuất…

Lâu nay, EVN chủ yếu sử dụng 2 nguồn lớn là điện than và thủy điện. Đây là nguồn điện tương đối ổn định trong khi điện gió, điện mặt trời có độ ổn định thấp hơn.

Tác động của CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU là một thách thức không nhỏ, nếu xét về ngắn và trung hạn. Vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần ứng biến thế nào với quy định này?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xét về kinh tế, Việt Nam là nước nhỏ và chịu rất nhiều áp lực từ các nước phát triển. Các quốc gia này có kinh tế giàu mạnh hơn, sẵn sàng đưa ra rất nhiều chính sách áp đặt cho các nước phát triển như Việt Nam.   

Do nền kinh tế của nước ta còn yếu nên muốn “chơi” với các quốc gia này, chúng ta phải tuân thủ “luật chơi” của họ. Những “luật chơi” này đều dựa trên một lý do là chống biến đổi khí hậu.

Trong thương mại toàn cầu, khi vào cuộc, chúng ta buộc phải chấp nhận từng yêu cầu nhỏ nhất. CBAM cho phép các nước châu Âu đánh thuế một số mặt hàng nhập về dựa trên khả năng giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm ngành Thép, xi măng,…

Rõ ràng, đây là vấn đề rất lớn, chúng ta cần phải chú ý. Lý do là nhà nước vẫn chưa quản lý chặt chẽ nhiều ngành sản xuất. Những đơn vị này phải tự chuẩn bị sẵn và có lộ trình để đối phó với các quy định mới này nếu muốn mang sản phẩm của mình vào các nước thuộc EU.

Ví dụ, ở Trung Quốc, nếu áp dụng CBAM trong ngành Thép, chi phí xuất khẩu sẽ tăng từ 4 - 6 %; tương đương 200 đến 400 triệu USD (theo số liệu nghiên cứu mới nhất của Đại học Nhân dân Trung Quốc). Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào cụ thể về lĩnh vực này.

Tôi cho rằng ngành Thép Việt Nam phải có những nghiên cứu cụ thể hơn, không nên ở thế bị động.

Một trong những vấn đề của sản xuất thép là phải sử dụng than cốc, đây là loại than có hàm lượng Carbon rất cao. Vậy nên, chắc chắn ngành thép sẽ bị áp đặt rất nhiều khi CBAM có hiệu lực.

Để tính được lượng phát thải nhà kính trong ngành thép, doanh nghiệp phải mời chuyên gia nước ngoài vì cách tính của Việt Nam không được công nhận.

Hiện Việt Nam đang xây dựng lộ trình trung hòa carbon. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này. Liệu nước ta có thực hiện được “bài toán” đặt ra hay không?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Mục tiêu của COP 26 là đạt Net Zero vào năm 2050. Do đó, chúng ta phải thành lập một tổ nhóm hoặc một hội đồng để thảo luận với nhau về cách tính nguồn phát thải của Việt Nam để được thế giới công nhận.

Trong giai đoạn đầu, nước ta sẽ phải mời các chuyên gia nước ngoài tham gia đánh giá. Để được các tổ chức quốc tế công nhận, Việt Nam phải làm đúng cách.

Hiện nhiều địa phương hiện vẫn loay hoay trong công tác quản lý bảo vệ môi trường khi cấp phép dự án cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các nhà máy có sử dụng than cốc trong hoạt động của mình. Liệu hoạt động này có còn phù hợp với tình hình thực tế nữa hay không?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Bài toán này có liên quan đến ba đối tượng. Thứ nhất là chính quyền địa phương - nơi có cơ sở sản xuất và tiêu thụ than cốc; thứ hai là cơ sở sản xuất; thứ ba là tổ chức giám sản toàn bộ hệ thống.

Hiện nay, cách vận hành của chúng ta đang thiếu sự đồng bộ, rất khó quản lý. Một mặt, đơn vị sản xuất luôn khẳng định không vi phạm và luôn đảm bảo bảo vệ môi trường. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại lúng túng, không biết xử lý. Ngược lại, các nhà khoa học của chúng ta chưa có cơ sở nghiên cứu. Vì vậy, nên cơ sở sản xuất chỉ cần có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là được chấp thuận.

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa làm rõ được việc sử dụng than cốc có tác động cỡ nào tới môi trường, việc này khiến các địa phương rất lúng túng.

Thêm vào đó, để làm được điều này, chúng ta cần phải có kinh phí và làm “đến nơi đến chốn”. Hiện tại, nếu các đơn vị sản xuất không chịu chi, các cơ quan chính quyền cũng không còn cách nào khác.

Ở một số nước trên thế giới, các cơ quan địa phương sẽ yêu cầu nhà máy phải đối thoại để tìm cách thống nhất. Nếu không, các đơn vị này sẽ phải tìm đối tác thứ ba để xác minh rõ ràng. Nếu có ảnh hưởng đến môi trường, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm kinh phí mời các nhà khoa học đến, mang theo thiết bị hiện đại đến xét nghiệm, đánh giá để đưa ra câu trả lời.

Tại Việt Nam, các chính quyền rất khó đánh giá tác động tới môi trường do không có nhà khoa học nào đứng ra khẳng định.

Nếu như việc thẩm định không “đến nơi đến chốn”, các dự án sẽ bị buông lỏng quản lý; vụ thảm họa môi trường Formosa năm 2016 là một ví dụ. Đây là vấn đề  liên quan đến ngành thép. Thời điểm Formosa gây ra thảm họa, doanh nghiệp này chỉ có đánh giá tác động môi trường ĐTM. Trong khi đó, đây chỉ là đánh giá dự đoán, không có tính chính xác 100%.

Hiện nay, các nhà khoa học cũng chỉ chờ có sự kiện mới được vào cuộc. Thực tế, nhà nước cần phải sát sao hơn trong công tác môi trường. Tuy nhiên, làm được điều này không hề dễ.

Vậy để đáp ứng được các điều kiện của CBAM thì các nhà sản xuất Thép cần phải những làm gì, thưa ông?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Hiện nay, các nhà khoa học cũng chưa có giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Theo tôi, các nhà sản xuất thép cần phải đi tìm hiểu xem các điều kiện của CBAM đưa ra gồm những gì và tìm cách đáp ứng.

Ngành thép cũng cần có sự tự chuẩn bị, tham khảo từ các nhà khoa học, thuê các nhà khoa học tới làm việc. Bản thân ngành thép phải đưa ra các tiêu chí cụ thể để ứng phó với các quy định này của CBAM.

Thêm nữa, khó khăn nhất của chúng ta là thiếu cơ sở dữ liệu. Thực tế cũng cho thấy, chúng ta chưa chú ý nhiều đến môi trường. Cách tính của chúng ta cũng chưa rõ ràng, chưa được chuẩn hoá, dễ có sai số.

Ông có đề xuất nào trong việc đảm bảo cam kết COP 26 của Việt Nam hay không?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Theo tôi, để thực hiện COP 26, chúng ta phải có Hội đồng khoa học ngay từ bây giờ. Đơn vị này sẽ tính phát thải ròng hàng năm để ứng phó kịp thời. Nói đơn giản hơn, chúng ta phải có lộ trình theo dõi một cách cụ thể và liên tục, không thể ngồi “đếm cua trong lỗ”.

Thêm vào đó, do có diện tích nhỏ, còn yếu về kinh tế, chúng ta buộc phải chấp nhận “luật chơi” khắc nghiệt khi bước ra thế giới. Các nước lớn sẽ liên tục áp đặt các điều kiện.

Ước tính, 20% dân số giàu đã tiêu thụ tới 80% năng lượng, tạo ra lượng phát thải cực lớn. Do đó, các nước giàu cần hỗ trợ các nước đang phát triển để cùng thực hiện COP 26.

Trước đó, Nghị định thư Kyoto năm 1997 cũng đã yêu cầu các quốc gia tham gia ký kết phải chấp nhận việc cắt giảm khí CO2 và năm loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác, hoặc có thể tiến hành biện pháp thay thế như mua bán phát thải nếu không muốn đáp ứng yêu cầu đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nghệ Nhân