Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập và là Phó chủ tịch MOMO |
Trong một buổi chia sẻ tại diễn đàn "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam"đầy tâm huyết, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập và là Phó chủ tịch MOMO – đã kể lại hành trình 17 năm đầy thách thức của công ty mình. Khởi nguồn từ năm 2007, MOMO từng bước trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ tài chính tại Việt Nam. Nhưng sau một thập kỷ rưỡi phát triển, một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp này vẫn là cơ sở pháp lý.
“Khi chúng ta tạo ra một sản phẩm đổi mới sáng tạo, nghĩa là sản phẩm này chưa từng tồn tại trước đây. Chính vì thế, sản phẩm mang tính đột phá thường không được đề cập trong các quy định pháp luật hiện hành,” ông Diệp chia sẻ.
Theo ông Diệp, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay ở Việt Nam cũng chưa có bộ chủ quản. Trường hợp của MOMO là minh chứng rõ ràng: công ty chịu sự quản lý đồng thời từ ít nhất bốn Bộ gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin - Truyền thông. Mỗi Bộ có những quy định và cách thức xử lý khác nhau, khiến quy trình triển khai sản phẩm trở nên phức tạp.
So sánh với các quốc gia như Hàn Quốc, nơi có Bộ Doanh nghiệp nhỏ và start-up, hay Mỹ - với các cơ quan tương tự, ông Diệp bày tỏ mong muốn Việt Nam thành lập một Bộ chuyên trách cho lĩnh vực này. “Nếu có một cơ quan như thế, họ có thể giúp xây dựng hệ sinh thái, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán chung. Hiện tại, chúng tôi phải làm việc rời rạc với nhiều Bộ, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và điều hành một cách tổng thể,” ông nói.
Ngoài pháp lý, vấn đề nhân lực chất lượng cao cũng là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp như MOMO. Theo ông Diệp, tốc độ phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khiến thị trường lao động trong nước không đáp ứng đủ nguồn nhân lực phù hợp.
“Các dự án khởi nghiệp lớn ở Việt Nam hiện nay thường phải tìm kiếm nhân sự ở nước ngoài. Chúng tôi rất mong Chính phủ có những chính sách thiết thực để thu hút và giữ chân nhân tài quốc tế, như cấp visa dài hạn, hỗ trợ chỗ ở hay giảm thuế thu nhập cá nhân. Những chính sách nhỏ này nhưng sẽ tạo ra giá trị lớn, giúp nhân tài quốc tế cảm thấy được trân trọng khi đến Việt Nam làm việc,” ông Diệp kiến nghị.
Khó khăn về vốn cũng là một vấn đề sống còn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đang đối mặt. Ông Diệp chỉ ra rằng, các công ty công nghệ thường chỉ sở hữu sản phẩm trí tuệ và công nghệ, mà không có tài sản vật chất để thế chấp vay vốn theo quy định hiện hành.
“Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn, đó sẽ là sự giúp đỡ lớn lao cho chúng tôi,” ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Diệp còn phản ánh về việc doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam chưa thể tiếp cận thị trường chứng khoán. So với Mỹ, Hàn Quốc hay Singapore, các nước này đều có sàn giao dịch riêng dành cho công ty khởi nghiệp sáng tạo để huy động vốn từ công chúng. Đây là một điều mà ông mong Chính phủ xem xét và thực hiện trong tương lai gần.
Từ hành trình của MOMO, ông Diệp không chỉ kể câu chuyện của một doanh nghiệp mà còn nói lên thực trạng chung của các start-up công nghệ tại Việt Nam, còn là lời kêu gọi để các nhà quản lý, các Bộ, ngành cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho những “người tiên phong” như MOMO tiếp tục phát triển. Với những khát vọng lớn lao, ông hy vọng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ giúp xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn, nơi các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển bền vững và vươn tầm thế giới.