Công ty TNHH Vàng Phước Sơn được khai thác khoáng sản vàng gốc tại các khu vực Bãi Gõ, Bãi Đất - mỏ vàng Đăk Sa thuộc xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. |
Cụ thể, Nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa và Dự án mở rộng hầm lò vàng Đăk Sa có tổng lượng nước thải sản xuất 1.211,52 m3/ngày đêm, nước tháo khô mỏ 3.000- 4.000 m3/ngày đêm. Cơ sở này đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, vận hành và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh nguy hại ở cơ sở này là 15.552 tấn/năm quặng đuôi từ quá trình ngâm chiết; 108,7 kg/năm các chất nguy hại khác và không có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Mỏ vàng thôn Trà Văn, xã Phước Kim thải nước thải sản xuất 176 m3/ngày đêm; mỗi tháng phát thải 0,6 kg chất thải rắn nguy hại. Dự án này có đầu tư bể dự phòng sự cố.
Mỏ vàng tại khu vực xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, (Quảng Nam). |
Mỏ vàng tại khu vực Bãi Muối, thôn 1, xã Phước Thành xả nước rỉ hầm lò 115 m3/ngày đêm; nước thải sản xuất 9 m3/ngày đêm. Mỗi tháng, mỏ vàng phát thải chất thải rắn nguy hại 20-30 kg. Bên ngoài ống dẫn nước thải xây dựng mương bê tông phòng vỡ ống nước không thấm vào đất.
Ngoài ra, còn nhiều mỏ vàng không có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Mỏ vàng tại khu vực bãi 45, thôn 4, xã Phước Đức (tạm ngừng hoạt động) xả nước thải sản xuất 19,32 m3/ngày đêm; mỗi tháng phát thải 30-40 kg chất thải rắn nguy hại.
Nhiều điểm khai thác vàng tại Quảng Nam có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. |
Mỏ vàng tại khu vực thôn 1, xã Phước Thành xả nước thải sản xuất 58 m3/ngày đêm; mỗi tháng phát thải nguy hại 40 kg. Mỏ vàng tại khu vực G18, xã Phước Thành phát sinh nước thải hầm lò 3,4m3/ngày đêm; nước thải từ quá trình tuyển quặng tuần hoàn 100%; phát thải nguy hại 650 kg/năm.
Mỏ vàng tại bãi 234, xã Phước Lộc xả nước thải hầm lò và xưởng sửa chữa 20 m3/ngày đêm; phát thải chất nguy hại 500 kg/năm. Mỏ vàng tại Bãi Mồ Côi, xã Phước Hiệp xả nước thải sản xuất 42 m3/ngày.
Mỏ vàng tại Khe Nước Trong, thôn 8, xã Phước Hiệp, phát sinh nước thải sản xuất 30- 40 m3/ngày. Mỏ vàng thôn 4, xã Phước Hiệp xả nước thải sản xuất 40 m3/ngày; phát thải chất nguy hại 5-10 kg/tháng.
Tại xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) thời gian qua, hàng loạt những điểm khai thác vàng trái phép ở đây vẫn luôn diễn biến phức tạp; những hầm lò, lán trại cả cũ và mới nằm rải rác các đồi núi từ nhiều năm qua. Mặc dù cơ quan báo chí thường xuyên phản ánh, nhưng thực trạng này vẫn cứ tiếp diễn ngay trên những khu vực rừng sản xuất.
Ông Đỗ Hoài Xoan, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, trong năm 2024, UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tham gia cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra việc vận hành thử nghiệm theo giấy phép môi trường đã cấp cho Công ty TNHH Phước Minh tại dự án khai thác khoáng sản vàng gốc khu vực Bãi Muối, xã Phước Thành.
Năm 2024, sau khi tiếp nhận phản ánh hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn gây ảnh hưởng đến nguồn nước suối Đăk Sa, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Phước Đức kiểm tra và chỉ đạo công ty khắc phục ngay. Đồng thời, triển khai lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn huyện.
Theo UBND huyện Phước Sơn, vấn đề khó khăn hiện nay trên địa bàn huyện chưa thể kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải; điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng công tác xử lý chất thải; việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về lĩnh vực BVMT tại các cơ sở gặp nhiều khó khăn…
Đặc biệt, điều kiện đi lại tại các khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản xa, giao thông đi lại khó khăn, việc lấy mẫu môi trường ngay tại thời điểm xảy ra sự cố mang tính cấp thời khó thực hiện do không có những quy định chi tiết, cụ thể riêng. Ngoài ra, việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường mang tích chất đối phó của doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân rất khó phát hiện các hành vi vi phạm.
Thời gian qua, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam có nhiều công văn, chỉ thị về tăng cường kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Thế nhưng tại huyện Phước Sơn, thực trạng trên vẫn đang diễn biến phức tạp. Hàng chục điểm khai thác vàng trái phép, hàng trăm lán trại mọc lên khắp núi đồi; nước thải với những màu đỏ, đen chảy ra khắp nơi bức tử những dòng sông, suối...