Giảm thuế GTGT xuống 8% sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng

19:31 18/01/2022

Những chính sách tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội được kì vọng sẽ góp phần phục hồi kinh tế sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, để những chính sách này đi vào cuộc sống trước tiên vẫn cần đến sự thanh tra, quản lý, giám sát chặt chẽ.

Ước giảm thu ngân sách nhà nước 51.400 tỷ đồng

Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, mới đây, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV và đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy định một số chính sách miễn, giảm thuế.

Theo đó, Bộ Tài chính ước tính, việc giảm thuế giá trị gia tăng các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống còn 8% và cho phép tính vào chi phí được trừ các chi phí ủng hộ, tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15) sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng. Số này bao gồm 49.400 tỷ đồng từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và 2.000 tỷ đồng từ chính sách khấu trừ chi phí tài trợ, ủng hộ phòng, chống Covid-19 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho rằng, số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Đánh giá về các chính sách tài chính tại gói hỗ trợ mới, nhiều chuyên gia cho rằng, thuế giá trị gia tăng sẽ "đánh" trên toàn bộ các mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng nên việc giảm thuế này sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, dịch vụ từ chuyến xe ôm đến các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như quần áo, xăng dầu, bánh kẹo... giảm theo, đồng thời cũng sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do dịch Covid-19.

Chính sách hỗ trợ tài chính mới sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19
Chính sách hỗ trợ tài chính mới sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Còn với chính sách khấu trừ chi phí ủng hộ, tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, tại Việt Nam khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, đây cũng sẽ là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục những hành động nhân văn, ủng hộ các hoạt động thiện nguyện, phòng, chống Covid-19 trên cả nước.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Để có thể sớm đưa những chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 đi vào cuộc sống, chỉ vài này sau khi Nghị quyết ban hành, Bộ Tài chính đã ngay lập tức công bố lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ sẽ bám sát các nội dung quy định của Nghị quyết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan, đồng thời cũng đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phủ hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối da cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; phù hợp với xu thế chung của thế giới trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Tuy nhiên, phải có giải pháp để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này; phải đảm bảo hàng hóa, dịch vụ phải có mức giảm bằng với mức giảm thuế giá trị gia tăng. Khi mua hàng hóa, dịch vụ ở siêu thị hay những đơn vị có xuất hóa đơn, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua hàng.

Tương tự, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho rằng, thuế giá trị gia tăng là do người tiêu dùng đóng nên thuế giảm đồng nghĩa họ phải được hưởng lợi. Đối với những đơn vị sổ sách kế toán rõ ràng thì việc tuân thủ tốt hơn, người tiêu dùng trả ít tiền hơn khi thuế giảm. Còn đối với những đơn vị bán hàng không cần phải xuất hóa đơn, nhiều khi phần giảm này họ “lờ” đi nên giá bán ra cũng không được điều chỉnh giảm xuống.

Liên quan tới việc ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng chính sách trong hoạt động ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch Covid-19. Mới đây, ngày 31/12/2021, Bộ Tài chính đã phát đi công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, các Cục Thuế, Cục Hải quan các địa phương. Trong công văn có nêu, trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2020 và năm 2021, doanh nghiệp, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách nêu trên trong thời gian qua, đã có ý kiến phản ánh về trường hợp doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng việc ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật (thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế và các loại hàng hóa khác) nhưng hạch toán giá trị hiện vật vượt quá giá trị thực tế để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không đúng với quy định của pháp luật thuế, gây ảnh hưởng đến hoạt động ủng hộ, tài trợ mang tính nhân văn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Việc cho phép tính vào chi phí được trừ các chi phí ủng hộ, tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 mới ban hành cũng sẽ có nguy cơ gặp tình trạng tương tự.

Để thực thi những chính sách này, đã có ý kiến đề xuất, trong quá trình thực thi cần bảo đảm công khai, minh bạch, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức xã hội để ngăn chặn xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần bổ sung cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, trong đó có sự tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Bên cạnh đó, chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm sự ổn định của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo TCHQ