Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM) |
CIEM vừa công bố nghiên cứu riêng về đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
“Hệ thống quy định pháp luật về giám sát, đánh giá hoạt động của DNNN đã hoàn thiện hơn so với giai đoạn trước khi ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy vậy, quy định về khái niệm, phạm vi giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thống nhất, chồng chéo với hoạt động thanh tra, kiểm tra của chức năng quản lý nhà nước”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM), người trực tiếp thực hiện nghiên cứu cho biết.
Nhưng điểm mà ông Trung muốn nhấn mạnh là các quy định hướng dẫn về cách thức, công cụ thực hiện giám sát chưa thực sự rõ ràng, dẫn tới những lúng túng về thực thi, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả giám sát.
“Đặc biệt, không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp đầy đủ, hiệu quả và toàn diện. Các bộ chỉ giám sát theo chức năng quản lý nhà nước, nên mục tiêu, cách làm khác nhau, cơ chế phối hợp chưa rõ, nên giám sát doanh nghiệp nhà nước không bảo đảm được yêu cầu về thường xuyên, liên tục. Nếu có phát hiện vấn đề gì cần cảnh báo cũng đã trễ”, ông Trung nói.
Trong khi đó, sự chồng chéo giữa hoạt động giám sát thuộc chức năng chủ sở hữu với hoạt động thanh tra, kiểm tra của chức năng quản lý nhà nước, cùng với việc phối hợp không chặt chẽ, chia sẻ thông tin chưa đầy đủ giữa các cơ quan liên quan vừa tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, vừa giảm hiệu quả và hiệu lực giám sát của chủ sở hữu nhà nước.
Nguyên nhân của hiện trạng này, theo ông Trung, có nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chính là việc chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cũng như danh mục đầy đủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước trên bình diện quốc gia cũng như trong phạm vi giám sát của từng cơ quan đại diện chủ sở hữu.
“Thực tế đó làm cho chủ sở hữu nhà nước không có được công cụ thông tin để thực hiện tốt chức năng giám sát cũng như điều chỉnh chính sách cho phù hợp và kịp thời. Xét riêng về mục tiêu đảm bảo lợi ích tối cao của chủ sở hữu nhà nước, Việc không nắm được thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật về tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong tất cả các doanh nghiệp của nền kinh tế có thể dẫn tới không tận dụng, khai thác được, thậm chí bỏ qua, lãng phí một nguồn lực lớn của Nhà nước, nhất là tại doanh nghiệp đa sở hữu”, ông Trung nói.
Đây là lý do ông Trung và cả báo cáo của CIEM về vấn đề này cho rằng, cách thức giám sát này mang nặng tính hành chính nhà nước, không phải cách thức giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu với tư cách một nhà đầu tư.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, không thể áp đặt duy trì tư duy của cơ quan quản lý nhà nước vào quản lý doanh nghiệp.
“Mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước là lợi nhuận, nhưng không đơn giản chỉ là bảo toàn hay tăng lên chút ít là được, mà phải đặt ra mục tiêu để người kinh doanh phát huy khả năng sáng tạo… Doanh nghiệp cần không gian để sáng tạo, đổi mới chứ không thể cứ theo đúng quy trình…”, ông Cung chia sẻ quan điểm.
Kinh nghiệm thế giới, như của các nước thành viên OECD, 88% quốc gia ban hành quy định về quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp nhà nước giống hoặc tương tự như quy định đối với các công tư tư nhân, niêm yết.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, ông Cung đang kỳ vọng vào hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
"Ủy ban đang xây dựng hệ thống thông tin, công cụ để giám sát theo đúng nguyên tắc là thường xuyên, theo thời gian thực, có mức cảnh báo... Nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tham gia vào hệ thống này, đảm bảo cập nhật thông tin theo đúng yêu cầu", ông Cung nói.
Khánh An