Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kéo kéo dài đến thủ phủ miền Tây
Trình bày nội dung thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sáng hôm nay (13/11). Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TPHCM) đề nghị: “nghiên cứu kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến tận các tỉnh miền Tây” (trong đó có TP. Cần Thơ).
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T.Chi |
Suy xét cẩn trọng khi thực hiện dự án
Đề nghị suy xét cẩn trọng khi thực hiện dự án này là ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) tại phiên thảo luận. Kinh nghiệm đã được rút ra từ những công trình, dự án lớn cho nên vị đại biểu này lo ngại: “vấn đề nợ công và cách làm dự án vẫn chưa khác biệt, có nguy cơ chậm giải ngân, giải phóng mặt bằng, thậm chí là cả vấn đề tiêu cực, đội vốn”…
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh: Quốc hội) |
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, khi có thêm một phương tiện giao thông sẽ rất tốt. Tuy nhiên, nếu đem so với việc người dân cần bệnh viện, trẻ em cần trường học thì có cần một phương tiện nhanh nhưng không đồng bộ. Cụ thể: “nước ta đang có 22 sân bay (15 sân bay quốc nội, 7 sân bay quốc tế)” và sẽ đạt mục tiêu tỉnh nào cũng có sân bay. Nếu tính toán hiệu quả đường sắt cao tốc thì người dân sẽ chọn phương tiện nào để sử dụng (?) - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi…
Tiếp tục phân tích về việc này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có “vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa chứ không phải chỉ vận chuyển người”. Hàng hóa vận chuyển từ miền Tây không phải chỉ dừng lại tại Hà Nội mà phải đến Lạng Sơn và xuyên biên giới để thông thương. Cho nên xét về mặt kinh tế, hiệu quả so với tiền bỏ ra thì cần được xem lại…
Dự án đi qua những đâu?
Dự án đi qua những đâu có lẽ chính là câu hỏi khiến dư luận quan tâm nhất. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho biết: “Việc Chính phủ trình dự án đã đáp ứng được các cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị. Dự án này đi qua 20 tỉnh thành, trong đó có 23 nhà ga hành khách và 5 nhà ga hàng hóa”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Ảnh: minh hoạ) |
Theo đại biểu phân tích: Dự án đi qua 20 tỉnh thành sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế, thu ngân sách ở các địa phương này. Với những nhà ga có tuyến đường sắt đi qua sẽ làm giá đất tăng lên. Vấn đề đấu giá đất ở những khu vực đó sẽ phân chia thế nào giữa địa phương và ngân sách Trung ương để bù cho dự án này cũng cần được tính đến. Tuy nhiên, đai biểu cũng lưu ý: “Cần đảm bảo đồng bộ giữa các loại quy hoạch. Hiện hai quy hoạch Hà Nội và TPHCM chưa được Thủ tướng phê duyệt. Khi phê duyệt quy hoạch phải được lồng ghép quy hoạch dự án này để tránh điều chỉnh”…
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn TPHCM) cho biết:"Tôi mong ước là trái cây vừa buổi sáng hái được từ vườn ở miền Tây thì chiều đã được bán ở siêu thị Hà Nội. Phải như vậy mới giải quyết được các vấn đề vận chuyển hàng hóa và vấn đề logistics”. Chính vì thế, vị đại biểu này cũng đồng tình với việc tính toán kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến các tỉnh miền Tây và từ Hà Nội lên các tỉnh Tây Bắc…