Bài liên quan |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Giải ngân 100% vốn đầu tư công là "thách thức rất lớn" |
TP. Hồ Chí Minh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông |
Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 6/2025, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 264.800 tỷ đồng, tương đương 32,06% kế hoạch – cao hơn cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong quý II, khi mà quý I chỉ đạt 8,98% kế hoạch (tương đương 78.712 tỷ đồng).
Tuy nhiên, con số 32% vẫn cho thấy sự phân hóa rõ nét: Mới có 8 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân, trong khi 58 đơn vị còn lại vẫn đang ở dưới ngưỡng trung bình. Đáng chú ý, nhiều bộ, ngành và địa phương từng được coi là “đầu tàu” lại chưa đạt được tốc độ như kỳ vọng, dù quy mô vốn phân bổ rất lớn.
![]() |
Không để gián đoạn dòng chảy vốn đầu tư công nửa cuối năm 2025 |
Thách thức chồng chất trong nửa cuối năm
Khó khăn không chỉ đến từ yếu tố nội tại. Theo phản ánh, mùa mưa đến sớm từ tháng 5/2025 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10 có thể làm chậm tiến độ thi công nhiều dự án, trong đó có dự án xây dựng 3.000 km đường cao tốc – công trình trọng điểm quốc gia.
Một rào cản khác là việc sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức lại chính quyền hai cấp theo Luật số 72/2025/QH15 và Nghị quyết 202/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Quá trình chuyển đổi tổ chức tại nhiều địa phương có nguy cơ gây xáo trộn về bộ máy điều hành và làm gián đoạn luồng giải ngân nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Giải pháp quyết liệt, hành động cụ thể
Trước tình hình này, yêu cầu đặt ra là các bộ, ngành, địa phương phải triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp thiết trong 6 tháng cuối năm.
Trong đó, vai trò người đứng đầu phải được đề cao. Cần chuyển từ tư duy "bàn bạc" sang hành động quyết liệt, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", chủ động rà soát tiến độ từng dự án, phân loại cụ thể theo mức độ giải ngân (tốt – chậm – không có khả năng giải ngân), từ đó lập tiến độ giải ngân theo tháng, quý và có biện pháp điều chỉnh linh hoạt.
Đặc biệt, cần cá thể hóa trách nhiệm, gắn kết quả giải ngân với công tác đánh giá cán bộ, tổ chức; Khẩn trương giải phóng mặt bằng, không để tình trạng “giao vốn rồi để đó” kéo dài; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu cố tình trì hoãn, gây cản trở; hoàn tất sớm việc điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với mô hình tổ chức mới sau sáp nhập hành chính, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bị "tắc luồng" giải ngân. Song song đó, các địa phương cần chủ động làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan để nắm chắc hướng dẫn, không để phát sinh độ trễ trong xử lý thủ tục hành chính.
Thúc đẩy tăng trưởng và tạo đà phát triển dài hạn
Việc thúc đẩy giải ngân hiệu quả không chỉ là mục tiêu trong năm 2025, mà còn là đòn bẩy then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm nay, đồng thời tạo nền tảng để nền kinh tế bứt phá tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ cũng đồng nghĩa với việc sớm hoàn thiện các dự án hạ tầng trọng điểm, từ đó lan tỏa tác động tích cực đến nhiều ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư tư nhân và nâng cao năng lực sản xuất quốc gia.