Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), tính đến giữa tháng 7/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông mới chỉ đạt 37% so với kế hoạch được giao. Trước áp lực giải ngân đúng tiến độ và hiệu quả, đơn vị này đang triển khai nhiều nhóm giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo mục tiêu giải ngân 100% vào cuối năm.
Cụ thể, năm 2025, Ban Giao thông được giao kế hoạch vốn hơn 17.271 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, số vốn đã giải ngân đạt khoảng 6.403 tỷ đồng, tương đương 37%. Mức giải ngân thấp trong nửa đầu năm được lý giải do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo báo cáo, một số dự án vẫn đang hoàn tất thủ tục pháp lý, chưa thể tổ chức đấu thầu xây lắp, chưa ký hợp đồng thi công, dẫn đến không thể giải ngân phần vốn tạm ứng. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát san lấp, đã gây khó khăn cho một số nhà thầu, khiến tiến độ chậm và khối lượng thi công bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhiều quận huyện vẫn chưa hoàn tất các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây tiếp tục là điểm nghẽn kéo dài trong nhiều năm qua, khiến các công trình bị đình trệ so với kế hoạch.
Để đảm bảo giải ngân đạt 100% trong năm nay, Ban Giao thông đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tiến độ thi công chi tiết theo từng tháng, từng quý cho từng dự án. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, tăng cường nhân lực và thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngoài hiện trường.
![]() |
Đoạn gần 10 km Quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh có 2 cầu vượt là cầu Bình Điền 2 và cầu vượt nút giao Bình Thuận. |
Ban Giao thông cũng kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở ngành, địa phương rút ngắn tối thiểu 30% thời gian làm thủ tục đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án BOT hoặc có vốn lớn cho giải phóng mặt bằng như: dự án mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, tuyến trục Bắc – Nam từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành…
Ngoài ra, Ban cũng đề xuất đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, hoàn tất các thủ tục để sớm khởi công các dự án mới, đủ điều kiện giải ngân vốn tạm ứng. Với các dự án đang gặp khó, đơn vị kiến nghị Tổ công tác của Thành phố tiếp tục kiểm tra thực tế, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, nhất là ở các khâu đấu thầu, thẩm định, chuyển đổi hình thức đầu tư.
Ban Giao thông cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để sớm được bàn giao mặt bằng sạch, phục vụ thi công đúng tiến độ. Tinh thần chung là đẩy nhanh nhưng không chủ quan, đảm bảo tiến độ song song với an toàn, chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn.
Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 hơn 81.000 tỷ đồng (trong đó riêng lĩnh vực giao thông chiếm khoảng 36.433 tỷ đồng, tương đương 43%), việc giải ngân đúng và đủ không chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý tài chính công mà còn góp phần thúc đẩy các công trình hạ tầng thiết yếu sớm phát huy hiệu quả.