Bứt tốc du lịch Hà Nội năm 2025: Đổi mới sản phẩm và định hình vị thế Hà Nội siết thu thuế online: KOC/KOL nộp khắc phục 40 tỷ đồng |
Ngày 11/7/2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB của thành phố, đã chủ trì cuộc họp quan trọng để đánh giá và thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho hai dự án đường sắt "khủng": tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn Hà Nội).
Theo đó, hai dự án đường sắt này có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Hà Nội mà còn cho cả vùng và quốc gia. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025, có chiều dài khoảng 37,5km đi qua địa bàn các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm (cũ) của Hà Nội. Khối lượng GPMB dự kiến lên tới khoảng 245,2ha, với tổng chi phí ước tính hơn 2.270 tỷ đồng. Trong đó, huyện Mê Linh (nay là các xã Tiến Thắng, Quang Minh) chủ yếu đi qua đất nông nghiệp, ít phải tái định cư. Huyện Đông Anh (nay là các xã Phúc Thịnh, Thư Lâm) và huyện Gia Lâm (nay là các xã Phù Đổng, Thuận An) sẽ có diện tích thu hồi lớn hơn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân hơn.
![]() |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp ngày 11/7/2025. |
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024, có chiều dài tuyến đi qua địa bàn Hà Nội khoảng 27,9km. Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi, GPMB là khoảng 112,74ha, trải rộng trên các xã Ngọc Hồi, Thường Tín, Thượng Phúc, Phượng Dực, Chuyên Mỹ và Đại Xuyên (thuộc các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên cũ). Đặc biệt, dự án này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 411 hộ gia đình tại huyện Thường Tín (cũ) và khoảng 320 trường hợp cần tái định cư tại xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì cũ).
Nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác GPMB đối với hai dự án này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã đưa ra những chỉ đạo hết sức quyết liệt. Ông biểu dương tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của các xã, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công việc mới phát sinh sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7 vừa qua.
Điểm nhấn trong chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố là việc yêu cầu Bí thư Đảng ủy các xã phải trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo GPMB của xã. Điều này nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt và quyết liệt từ cấp cao nhất của thành phố xuống đến cơ sở, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ.
![]() |
Toàn cảnh cuộc họp chỉ đạo giải phóng mặt bằng hai tuyến đường sắt quan trọng. |
Bên cạnh đó, ông Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, UBND thành phố sẽ sớm ban hành hướng dẫn các quy định liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, thẩm quyền của cấp xã trong thực hiện công tác GPMB, làm rõ những phần việc thuộc thẩm quyền của xã và những phần việc cần xin ý kiến cấp trên. Điều này giúp các địa phương chủ động, tự tin hơn trong triển khai nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật và tiến độ đề ra, đặc biệt chú trọng đến các nội dung liên quan đến việc chỉ định thầu.
Một trong những vấn đề trọng tâm được Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh là công tác tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng đề nghị các địa phương cần chú trọng vấn đề này, đồng thời chủ động và chịu trách nhiệm về việc lập, thẩm duyệt và làm chủ đầu tư dự án GPMB tại địa phương.
Với tinh thần "thần tốc" được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt ngày 9/7, Hà Nội đang nỗ lực hết sức để kịp tiến độ. Thủ tướng đã thống nhất khởi công đồng loạt 2 dự án này vào ngày 19/8/2025, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.