Thuế - Trách nhiệm không thể bỏ qua trong kinh doanh số Hoàn thiện hệ thống khấu trừ và nộp thuế thay trên sàn thương mại điện tử |
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm vừa diễn ra, ông Phan Tiến Hòa, Phó trưởng Thuế TP. Hà Nội, đã đưa ra những thông tin đáng chú ý về kết quả thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là từ những người nổi tiếng.
Ông Phan Tiến Hòa cho biết, Cục Thuế TP Hà Nội đã tích cực ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích kho dữ liệu lớn thu thập từ các sàn thương mại điện tử, ngân hàng, và mạng xã hội. Việc này giúp cơ quan thuế nhận diện chính xác các trường hợp phát sinh doanh thu từ kinh doanh trực tuyến, từ đó hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế một cách đầy đủ và đúng đắn.
![]() |
ông Phan Tiến Hòa, Phó trưởng Thuế TP. Hà Nội. |
Kết quả ban đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực: "Nhiều hộ, cá nhân kinh doanh là người nổi tiếng trên mạng xã hội như KOC, KOS, KOL làm chủ đã chủ động kê khai, khắc phục nộp vào ngân sách trên 40 tỷ đồng", ông Hòa thông báo. Con số này không chỉ thể hiện sự tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý của ngành thuế mà còn cho thấy sự nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người kinh doanh trực tuyến. Cùng với đó, các hộ, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc cũng đã chủ động nộp thuế qua cổng thương mại điện tử khoảng 1.020 tỷ đồng, chiếm tới 55% tổng số nộp của cả nước, một tín hiệu đáng mừng về sự chuyển dịch trong hành vi nộp thuế. "Người dân đã dần dần nhận thức rõ được trách nhiệm, hậu quả pháp lý khi không thực hiện, cố tình trốn tránh nộp thuế", ông Phan Tiến Hòa nhấn mạnh.
Thực tế, Facebook, TikTok, YouTube và các sàn thương mại điện tử đã trở thành môi trường kinh doanh sôi động của hàng triệu cá nhân, tổ chức, trong đó có không ít người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng (KOLs). Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển nhanh chóng này là những hành vi vi phạm về thuế ngày càng tinh vi và khó nhận diện. Lãnh đạo Thuế Hà Nội chỉ ra rằng, nhiều trường hợp sử dụng nhiều tài khoản khác nhau, chia nhỏ doanh thu, sử dụng nhiều hệ thống sổ sách kế toán, hoặc hoạt động không rõ ràng giữa mô hình doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh. Những hành vi này nhằm mục đích che giấu doanh thu, trốn thuế, gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước.
Trước thực trạng đó, bên cạnh việc tăng cường hướng dẫn và tuyên truyền, Thuế TP Hà Nội khẳng định sẽ "quyết liệt xử lý với các trường hợp cố tình vi phạm". Từ đầu năm 2025, cơ quan này đã chủ động chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý các vụ việc vi phạm quy mô lớn. Gần đây nhất, Thuế TP Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố phát hiện và xử lý 3 vụ việc điển hình liên quan đến trốn thuế, gây tiếng vang lớn trong dư luận.
Vụ TikToker Vũ Nam Phương (Vũ Hồng Phúc - Cún Bông) và Công ty cổ phần Dược Hoa Kỳ: Doanh nghiệp này có doanh thu lớn từ cả kênh online và cửa hàng nhưng không xuất hóa đơn, kê khai thuế đầy đủ, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng.
Vụ Công ty TNHH MI Hà Nội do Đoàn Mạnh Hòa làm Giám đốc: Công ty bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng không kê khai gần 33 tỷ đồng doanh thu, che giấu qua các tài khoản cá nhân.
Vụ Nguyễn Thị Thu Hường (Hycloset): Cá nhân này kinh doanh, bán hàng quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện của các thương hiệu nổi tiếng qua Facebook. Qua xác minh ban đầu của cơ quan công an, doanh thu phát sinh hơn 834 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay, nhưng người bán không kê khai, nộp thuế.
Theo số liệu từ Cục Thuế (Bộ Tài chính), bức tranh chung về thu thuế từ thương mại điện tử trên cả nước cũng rất khả quan. Trong 6 tháng đầu năm 2025, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và kênh online đã nộp thuế khoảng 98.000 tỷ đồng, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước hiện có khoảng 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, với tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Số thu từ lĩnh vực này liên tục tăng mạnh trong 3 năm qua, từ 83.000-97.000 tỷ đồng trong hai năm trước lên khoảng 116.000 tỷ đồng vào năm 2024. Những con số này cùng với các vụ việc được xử lý nghiêm minh cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của ngành thuế trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch trên nền tảng số, đảm bảo công bằng nghĩa vụ thuế và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phục vụ mục tiêu phát triển chung của đất nước. |