Đường dây nóng hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ

08:23 23/07/2021

Từ ngày 22/7/2021, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ công bố và vận hành ĐƯỜNG DÂY NÓNG TRỰC TUYẾN hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đường dây nóng trực tuyến tại địa chỉ: hotro.chinhphu.vn. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng đề nghị người dân gặp khó khăn, vướng mắc cấp thiết và các vấn đề phát sinh trong quá trình tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ, gửi phản ánh, kiến nghị đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ qua các hình thức: Gửi email tới địa chỉ: thongtinchinhphu@chinhphu.vn;

Nhắn tin qua mục email của fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/thongtinchinhphu hoặc điền và gửi thông tin theo mẫu tại địa chỉ: hotro.chinhphu.vn.

Lưu ý, cần nêu rõ nội dung kiến nghị, số điện thoại và địa chỉ nơi cư trú, khuyến khích phản ánh, kiến nghị giúp những người không thể thực hiện các hình thức liên hệ nêu trên.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Nghị quyết 68 không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải đưa Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, khẩn trương, kịp thời chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đây là gói hỗ trợ của Chính phủ đối với đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh đang diễn ra. Từ đầu năm 2021 đến nay, nước ta đã phải đương đầu với đợt dịch COVID lần thứ ba và lần thứ tư diễn ra liên tiếp. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 và đang tiếp tục có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của cả các doanh nghiệp và người dân.

Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch bệnh khiến sức chống chịu của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và có thương hiệu trên thị trường bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Đời sống của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng do thu nhập bị giảm sút và mất việc làm (báo cáo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. So với quý I, dịch bệnh đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng này).

Do vậy, Nghị quyết 68 của Chính phủ là một quyết sách kịp thời, đúng lúc, có tác dụng hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trước đại dịch.

So với gói hỗ trợ lần 1 (năm 2020), gói hỗ trợ lần này theo Nghị quyết 68 được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ. Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.

Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.

Bảo Ngân