Doanh nghiệp Việt cần làm gì để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal các nước Hồi giáo?

16:12 31/05/2024

Mặc dù thị trường Halal đầy tiềm năng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Thị trường này được đánh giá là khó tính, với các sản phẩm phải tuân thủ những quy định đặc thù và nghiêm ngặt của Islam.

Sáng 31/5/2024, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của Doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh và Cục Xúc tiến thương mại Malaysia tổ chức.

Sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo.

Trong năm 2024, ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi. Các xu hướng Halal năm 2024 sẽ góp phần định hình lại môi trường kinh doanh Halal toàn cầu tạo ra cơ hội mới song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới.

TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ,
TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ.

Với xu hướng xây dựng chuỗi giá trị Halal, thị trường Halal đang chuyển dịch từ tư duy chỉ quan tâm tới sản phẩm Halal sang xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng Halal. Theo đó, các tiêu chuẩn Halal cần được mở rộng kiểm soát từ nguồn đến nơi người tiêu dùng mua hàng như các nhà bán lẻ, nhà hàng, mua sắm trực tuyến.

Tại hội thảo về thị trường Halal, ông Mohd Firdaus Mohammad, Phó Lãnh sự thương mại, Thương vụ Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh, và các chuyên gia từ cộng đồng Hồi giáo đã cập nhật tổng quan thị trường, chia sẻ những quy định, tiêu chuẩn, và cách thức xin cấp giấy chứng nhận Halal cho các sản phẩm, đồng thời giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.

TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ, cho biết, thị trường Halal toàn cầu hiện có trị giá 7.000 tỷ USD và ước tính sẽ đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Ngành công nghiệp Halal không chỉ giới hạn ở thực phẩm mà còn bao gồm dược phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm y tế, đồ vệ sinh cá nhân, và thiết bị y tế.

Mặc dù thị trường Halal đầy tiềm năng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Thị trường này được đánh giá là khó tính, với các sản phẩm phải tuân thủ những quy định đặc thù và nghiêm ngặt của Islam. Các doanh nghiệp Việt Nam thường thiếu hiểu biết về văn hóa Islam, gây khó khăn trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản, và thiết kế sản phẩm phù hợp.

TS. Phú Văn Hẳn nhấn mạnh rằng, điều kiện tiên quyết để xuất khẩu sang thị trường Halal là có chứng nhận Halal do các cơ quan có thẩm quyền xác thực. Tuy nhiên, việc đạt được chứng nhận này không dễ dàng, do thiếu bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất và sự khác biệt trong quy trình cấp chứng nhận giữa các tổ chức và quốc gia.

Tại Việt Nam, việc đạt được chứng nhận Halal cũng gặp khó khăn do các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt, và các chứng nhận không có giá trị vĩnh viễn hoặc không được công nhận đồng đều ở mọi quốc gia.

TS. Phú Văn Hẳn khuyến nghị doanh nghiệp cần hiểu rõ và nắm vững các tiêu chuẩn Halal của tổ chức chứng nhận mà họ lựa chọn. Nguyên liệu sản xuất phải được phép sử dụng theo luật Hồi giáo và quy trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ các nguyên tắc Halal.

Doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Halal, bao gồm kiểm soát nguyên liệu đầu vào, sản xuất, lưu kho, vận chuyển và phân phối sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng tổ chức chứng nhận phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.

Để duy trì chứng nhận Halal, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm tra định kỳ hệ thống quản lý, cập nhật các thay đổi trong quy trình sản xuất hoặc hệ thống quản lý, tham gia các khóa đào tạo về kiến thức Halal, và hợp tác chặt chẽ với tổ chức chứng nhận để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần đảm bảo tất cả các sản phẩm và hoạt động kinh doanh đều tuân thủ đúng các yêu cầu Halal, thường xuyên cập nhật các thay đổi về tiêu chuẩn để đảm bảo tuân thủ và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu này. Vi phạm các quy định Halal có thể dẫn đến việc bị thu hồi chứng nhận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu.

P.V (t/h)