“Doanh nghiệp du lịch cần tập trung tạo trải nghiệm mới cho du khách”

07:40 31/05/2024

Trao đổi với Doanh nghiệp & Hội nhập, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cho rằng: Sau đại dịch Covid, người dân toàn thế giới cũng như ở Việt Nam muốn được trải nghiệm cái mới nhiều hơn trong các chuyến du lịch.

Ảnh minh họa
Du lịch trải nghiệm đang là một xu hướng của ngành du lịch (Ảnh: Minh họa)

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu của du khách có nhiều thay đổi so với trước. Ông có thể khái quát những xu hướng thay đổi chính và phân tích những tác động của nó đối với các doanh nghiệp du lịch?

  1. TS. Nguyễn Anh Tuấn: Sau đại dịch Covid-19, xu hướng lựa chọn của du khách trên toàn thế giới có rất nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, du khách ưa chuộng, thích đến những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, đông đúc thì bây giờ hầu như ngược lại. Theo quan sát của tôi thì hiện nay có một số xu hướng cơ bản sau:

Trước hết, sau đại dịch thì người dân quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và điều đó thể hiện cả trong nhu cầu du lịch. Du khách muốn các chuyến du lịch phải kết hợp với tăng cường sức khỏe, cả thể chất lẫn tâm hồn. Cho nên, họ thích đến những nơi thiên nhiên hoang sơ, khám phá văn hóa địa phương, và thậm chí là du lịch một mình để tìm kiếm sự thư thái và chữa lành tâm hồn.

Thứ hai, là xu hướng du lịch khám phá. Trong trận đại dịch vừa qua, với trải nghiệm về việc phải ngồi trong nhà một thời gian dài, chứng kiến người thân, bạn bè đột ngột mất đi đã khiến nhiều người giật mình, muốn có những trải nghiệm mới trong cuộc sống. Do vậy họ muốn đi du lịch để tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ.  

Thứ ba, là sự nổi lên của xu hướng du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ. Họ thiết kế những chuyến đi theo những mục đích riêng theo từng nhóm để vừa gắn kết các thành viên trong gia đình, trong nhóm.  

Tổng quan, xu hướng nhu cầu du lịch của phần lớn du khách hiện nay đang dần chuyển hướng sang các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, nâng cao sức khỏe tinh thần.

Theo phân tích trên thì khách du lịch có xu hướng đi xa. Tuy nhiên, hiện vé máy bay tại Việt Nam đang tăng cao, đặc biệt là các chuyến bay nội địa. Điều này đã ảnh hưởng đến xu hướng của du khách có nhu cầu du lịch nội địa như thế nào?  

  1. TS. Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là thời gian qua, do giá vé máy bay tăng cao nên khách du lịch nội địa có những điều chỉnh so với thế giới. Du khách nội địa có xu hướng chọn những chuyến đi gần hơn để có thể sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm hơn vé máy bay như ô tô, tàu hỏa, tàu thủy và thậm chí cả xe đạp.

  2. Ảnh minh họa
    TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Ảnh: Phan Chính)

    Còn xu hướng chung thì du khách vẫn thiên về lựa chọn những chuyến du lịch mang lại trải nghiệm mới, gần gũi với thiên nhiên. Do đó, thời gian vừa qua chúng ta chứng kiến các khu resort cao cấp ở vùng núi lại đông khách hơn ở khu vực biển như trước đây.

Theo ông, doanh nghiệp du lịch nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp du lịch lữ hành cần đặc biệt chú trọng để đáp ứng nhu cầu du khách trong thời gian này?

  1. TS. Nguyễn Anh Tuấn: Như tôi đã phân tích về các xu hướng nhu cầu của du khách ở trên thì có thể rút ra điều mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lịch nói chung cần tập trung nhất là tăng trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm mới cho du khách. Từ các doanh nghiệp lữ hành cho đến lưu trú, ăn uống, đi lại…

Đối với các doanh nghiệp lữ hành cần phải chịu khó tìm kiếm, sáng tạo để thiết kế các tour, các dịch mới theo hướng tăng trải nghiệm cho khách hàng. Phải liên kết, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác như lưu trú, ăn uống, đi lại để đưa đến cho du khách một trải nghiệm trọn vẹn. Có thể nói vui là du khách hiện nay rất dễ “dỗi” nên phải cho họ một trải nghiệm trọn vẹn từ đầu đến cuối chuyến đi. Nếu làm được điều đó thì mỗi du khách sẽ trở thành một đại sứ để quảng bá cho công ty rất hiệu quả. Đây cũng chính là vấn đề thứ hai các doanh nghiệp du lịch cần hết sức coi trọng: sức tác động của công nghệ.

Trước hết, sự tác động của công nghệ ở đây là sự tác động của công nghệ thông tin. Đại dịch khiến cho tỉ lệ người sử dụng internet, mạng xã hội bùng nổ. Sau đại dịch hầu như mọi người đều ghi lại và đăng tải những chuyến đi của họ trên trang cá nhân. Xuất hiện rất nhiều người đi du lịch một cách chuyên nghiệp, trở thành những KOL về du lịch. Do vậy, các doanh nghiệp một mặt phải thiết kế một trải nghiệm trọn vẹn của du khách để biến họ trở thành các đại sứ quảng bá cho mình, một mặt phải biết sử dụng tốt những kênh thông tin này để tiếp thị, quảng bá.

Ngoài ra, sự xuất hiện những công nghệ hiện đại như AR (Thực tế ảo tăng cường), VR (thực tế ảo) cũng tạo nên những xu hướng và phương thức du lịch mới. Du lịch trực tuyến dù chưa hẳn trở thành một phương thức du lịch mới nhưng cũng tác động đến mong muốn trải nghiệm của du khách. Các doanh nghiệp có thể áp dụng trong khâu tiếp thị để thuyết phục du khách lựa chọn dịch vụ trực tiếp của mình.

Thưa ông, một trong những ngành chịu tác động lớn nhất từ đại dịch Covid-19 chính là du lịch. Theo ông, trong thời điểm này Nhà nước cần có những hỗ trợ gì để giúp các doanh nghiệp nói riêng và để ngành du lịch tăng tốc?  

  1. TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trong ngành du lịch thì dù ở đâu thì vai trò của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vẫn là quan trọng nhất. Họ có vai trò quyết định trong việc định hình sự phát triển của ngành du lịch trong thời gian vừa qua. Sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn, bao gồm cả sự tham gia của người dân vào các hoạt động du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, do tác động lớn từ đại dịch Covid-19, cả doanh nghiệp và người dân tham gia vào lĩnh vực du lịch đến thời điểm hiện tại vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề nhân lực và tài chính để phục hồi hoạt động của mình, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung đã thực hiện, theo tôi thời điểm này Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong khâu quảng bá, xúc tiến. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị  hạn chế trong vấn đề này so với doanh nghiệp của các nước trong khu vực, như Thái Lan, Singapore… Điều này khiến cho du lich Việt Nam chưa có sự cạnh tranh tốt với ngành du lịch của các nước, khiến các doanh nghiệp cũng khó gặp khăn.

Xin cảm ơn ông!

Phan Chính (Thực hiện)