Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cả nước hiện đang có khoảng 400 khu công nghiệp, trong đó có 290 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 27 triệu người lao động.
Theo ông Nghĩa, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được tập trung đẩy mạnh thông qua nhiều cơ chế, chính sách và trên thực tế, nguồn cung cũng đang dần cải thiện nhưng so với nhu cầu hiện hữu, cung - cầu vẫn đang cách quá xa.
Ông Nghĩa thông tin, hiện có khoảng 1,2 triệu người lao động đang có nhu cầu mua nhà ở ngay tại khu công nghiệp, khu chế xuất với mong muốn sớm “an cư, lạc nghiệp”. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho nhóm đối tượng này lại đang rất hạn chế.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn có tổng diện tích hơn 22 triệu m2.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được khởi công là 09 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn, trong đó, nhà ở xã hội 06 dự án, nhà ở công nhân 03 dự án.
Lý giải nguyên nhân, ông Nghĩa cho rằng, có 3 lý do chính, song các nguyên nhân này cơ bản xoay quanh vấn đề thủ tục pháp lý.
Một là, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việ Nam, nhu cầu thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang chiếm khoảng 50 - 55% tổng nhu cầu mua và thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân của người lao động. Khi nhu cầu thuê cao hơn nhu cầu mua sẽ khiến các doanh nghiệp bất động sản không mặn mà trong việc đầu tư phát triển phân khúc này. Bởi vì, hiệu quả kinh tế mà các dự án cho thuê đem lại không cao bằng dự án đầu tư để bán.
Hai là, vướng mắc ở tiêu chí mua nhà ở xã hội. Hiện nay, các thủ tục, tiêu chí để được mua suất nhà ở xã hội đang rất rườm rà, cản trở lớn đến việc mua bán giữa hai bên. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang được Bộ Xây dựng tổng hợp và đề xuất sửa đổi trong việc hoàn thiện Luật Nhà ở tới đây để các tiêu chí, phương án mua rõ ràng hơn.
Ba là, do vướng mắc ở thủ tục đầu tư. Ông Nghĩa cho biết, theo quy định của pháp luật hiện nay, việc phát triển dự án nhà ở xã hội sẽ không phải đóng tiền sử dụng đất, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục ở các khâu liên quan đến giá hay một số vấn đề khác mới được quyết định miễn tiền sử dụng đất. Điều này đã làm tiến độ các dự án kéo dài thêm 6 tháng đến 1 năm. Đặc biệt nhất là khâu giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn còn chậm do nguồn lực của các địa phương trong việc giải phóng mặt bằng còn hạn chế.
Ngoài ra, nhiều khu nhà ở xã hội đại đa số chỉ có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu 5 tầng. Nhưng các nhà đầu tư khi phát triển dự án chắc chắn sẽ xây cao tầng. Vì vậy, việc làm thủ tục để điều chỉnh quy hoạch này cũng đã và đang làm mất rất nhiều thời gian của các chủ đầu tư.
Vì vậy, ông này, mong trong công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, các tỉnh để quy hoạch mở để khi thực hiện quy hoạch chi tiết thì chúng ta không phải điều chỉnh quy hoạch.
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay vốn, nhu cầu hơn 25.800 tỷ đồng. Trong đó, 49 dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay hơn 24.600 tỷ đồng, còn lại là 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Đến nay, một số dự án đã được giải ngân với số vốn khoảng 83 tỷ trên tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với mức độ giải ngân nói trên, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang hỗ trợ cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất hạn chế.
“Nếu không có những giải pháp tháo gỡ nhanh chóng, thì nguồn vốn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ còn bế tắc trong dài hạn”, ông Bắc nói.
Nghệ Nhân