Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho 63 tỉnh, thành trên cả nước, hướng tới mức tăng 8% trở lên vào năm 2025. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Trong nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình và Ninh Thuận được kỳ vọng đạt mức tăng từ 12% trở lên trong năm 2025. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành như Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kon Tum, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nằm trong nhóm được đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên. Hà Nội và TP.HCM, hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có mức tăng trưởng GRDP được Chính phủ đặt ra ở mức thấp hơn, lần lượt là 8% và 8,5%.
"Điểm danh" tỉnh thành được giao chỉ tiêu tăng trưởng hai con số năm 2025 |
Nhìn lại năm 2024, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP cả nước ước tính tăng 7,09% so với năm trước, trong đó GRDP của cả 63 tỉnh, thành đều ghi nhận tăng trưởng. Đáng chú ý, có 10 địa phương đạt mức tăng trưởng trên 10%.
Bắc Giang tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu với mức tăng 13,85%, đánh dấu năm thứ năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng hai con số. Động lực chính đến từ môi trường đầu tư hấp dẫn, giúp tỉnh thu hút trên 2,14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 10 cả nước. Thanh Hóa xếp thứ hai với tốc độ tăng trưởng GRDP 12,16%, đồng thời ghi nhận thu ngân sách đạt 56.284 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với mức tăng 11,7%, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Kinh tế tỉnh tiếp tục khởi sắc nhờ vào công nghiệp chế biến, chế tạo và thu hút đầu tư mạnh mẽ với 57 dự án mới, tổng vốn lên tới hơn 2 tỷ USD.
Hải Phòng ghi nhận mức tăng 11,1% trong năm 2024, với khu vực công nghiệp - xây dựng đóng vai trò chủ chốt, tăng 13,69%. Hà Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với 10,93%, đây là năm thứ ba liên tiếp địa phương này đạt mức tăng trên 10%. Lai Châu đạt tốc độ tăng trưởng 10,52%, mức cao nhất trong giai đoạn 2020-2024 và đứng thứ hai trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Hải Dương đạt tốc độ tăng trưởng 10,2%, đứng thứ ba trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 114,2%, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 14,2%.
Năm 2024, GRDP Khánh Hòa tăng 10,16% so với năm 2023, là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Khánh Hòa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế "hai con số". Các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng, như: sản xuất công nghiệp tăng 27,15%; dịch vụ tiêu dùng tăng 13,3%; xuất khẩu đạt 2,04 tỷ USD, tăng 16,5%. Đặc biệt, ngành du lịch tăng trưởng rất mạnh với 10,8 triệu lượt khách trong năm, trong đó có 4,7 triệu lượt khách nước ngoài, tổng doanh thu từ du lịch đạt 53.151 tỷ đồng, tăng 56,4%
GRDP Trà Vinh năm 2024 ước tính tăng 10,04% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Tỉnh ủy. Đây là năm địa phương có mức tăng trưởng cao nhất, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, GRDP tăng ở tất cả 3 khu vực gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,15%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 20,23%, đóng góp 6,56 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,46%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.
Đứng cuối cùng trong danh sách địa phương có GRDP trên 10% năm 2024, GRDP tỉnh Nam Định ước đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,83%, đóng góp 0,53 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,27%, đóng góp 5,98 điểm % ; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 3,11 điểm % ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,34%, đóng góp 0,39 điểm % .