Tỉnh ủy Long An xác định mục tiêu chung năm 2024 tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tăng cường hội nhập, hợp tác để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững. Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phá của tỉnh tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo nghị quyết năm 2024 của Tỉnh ủy Long An, về lĩnh vực kinh tế, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 58-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng cốt lõi là hình thành "3 vùng - 1 trung tâm - 2 hành lang và 6 trục". Thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh. Tăng cường công tác nắm tình hình tại cơ sở, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, chương trình đột phá và các dự án quan trọng, giám sát việc giải ngân đầu tư các dự án lớn, dự án FDI. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất theo điều kiện thực tế.
Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển khu vực nông, lâm, thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tính cạnh tranh. Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bền vững, thực chất gắn với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo (linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ bán dẫn), công nghiệp năng lượng, công nghệ sinh học. Quan tâm kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư, kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật các dự án kéo dài, chậm triển khai; nâng cao tính hiệu quả, chuyên nghiệp trong hoạt động thu hút đầu tư. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng, định giá; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhằm tăng quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phấn đấu cải thiện 3 chỉ số (PCI, PAPI, PAR INDEX) ở nhóm đầu cả nước. Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động các trung tâm hành chính công các cấp; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng hình ảnh tỉnh Long An là điểm đến đầu tư thân thiện, hiệu quả, an toàn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, hỗ trợ phát huy hiệu quả hoạt động của Cảng Quốc tế Long An để phát triển mạnh dịch vụ cảng, logistics. Tập trung triển khai Khu kinh tế ven biển và xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Long An,...
Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trên cơ sở phát huy các tiềm năng về du lịch sinh thái, các khu di tích, lịch sử văn hóa và liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước tăng trên 12% so với năm 2023. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; đảm bảo chi cho phòng, chống dịch bệnh, chi cho con người, chi an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ rác thải trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt. Giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm ở các cụm công nghiệp và khu dân cư.
Uyển Nhi