Theo nhận định của tác giả Samaya Dharmaraj trên trang Open Gov Asia ngày 4/2, những thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2024 là tiền đề quan trọng cho sự phát triển tiếp theo.
![]() |
Những thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2024 là tiền đề quan trọng cho sự phát triển tiếp theo. |
Kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng vượt kỳ vọng
Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 cho thấy nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ. Các số liệu nổi bật bao gồm: GDP tăng 7,09% trong năm 2024. Lạm phát kiểm soát ở mức 3,63%, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 25,35 tỷ USD. Kiều hối ước tính đạt khoảng 16 tỷ USD.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, năm 2025 hứa hẹn mang đến những thách thức mới. Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, các tiến bộ khoa học - công nghệ đang thay đổi toàn diện ngành công nghiệp và thị trường lao động. Sự thay thế lao động con người bằng máy móc và công nghệ tối tân buộc Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới để duy trì năng lực cạnh tranh.
Khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nếu kịp thời cải cách kinh tế. Để làm được điều này, Việt Nam cần tăng cường nâng lực thể chế kinh tế, đổi mới doanh nghiệp và nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Đổi mới sáng tạo là động lực cho tăng trưởng
Chính phủ Việt Nam đã đề ra các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, trong đó có Nghị quyết số 57-NQ/TW với trọng tâm vào khoa học - công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Những nỗ lực này đã tạo ra động lực cho các nhà khoa học và hình thành môi trường đầu tư thuận lợi.
![]() |
Một số mục tiêu cơ bản về chuyển đổi số đến năm 2025 |
Nhờ các chính sách thu hút công nghệ mới, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư hàng đầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có dư địa cải thiện chính sách nhằm đối mới mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp và Hội nhập kinh tế quốc tế của CIEM, tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường toàn cầu. Việc thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký và mở rộng đàm phán với các đối tác mới sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư và nâng cao vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới.
Mặc dù đã có những tiến bộ trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam vẫn gắp thách thức trong việc khai thác tối đa lợi thế hội nhập. Các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực đổi mới và áp dụng công nghệ để duy trì khả năng cạnh tranh.
Trong bài viết, Samaya Dharmaraj chỉ rõ xu hướng phát triển bền vững toàn cầu đang tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Khi các thị trường quốc tế yêu cầu sản phẩm và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi để duy trì vị thế.
Tác giả Samaya Dharmaraj nhấn mạnh, Việt Nam đang ở ngã rẽ quan trọng. Việc tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu và cải cách quyết liệt sẽ giúp Việt Nam khai phá động lực tăng trưởng mới, củng cố vị thế trên trường kinh tế thế giới.
Nếu tận dụng hiệu quả các sáng kiến đổi mới, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được thành công kinh tế bền vững và khẳng định vị thế trong những thập kỷ tới.