Chiều 5/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Dự luật được xây dựng nhằm cập nhật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng nguyên tử trong bối cảnh mới, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay các chính sách liên quan đến năng lượng nguyên tử đang bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều quy định còn chồng chéo, lạc hậu, chưa theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ hạt nhân và công nghệ bức xạ. Đặc biệt, hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát đầy đủ các vấn đề trọng yếu như an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, cũng như chưa có cơ chế quản lý nhà nước phù hợp đối với các nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân? |
Dự thảo Luật lần này được xây dựng trên cơ sở bốn chính sách lớn đã được Chính phủ thống nhất. Thứ nhất, thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực đời sống và sản xuất. Thứ hai, đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân một cách toàn diện, đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ ba, phân cấp và phân quyền mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh sát, xử lý sự cố hạt nhân. Và thứ tư, tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, đồng thời bảo đảm trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại hạt nhân.
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo lần này là đề xuất trao thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng Chính phủ, thay vì Quốc hội như hiện hành. Theo Chính phủ, đây là bước cải cách mạnh nhằm nâng cao tính linh hoạt, chủ động và rút ngắn thời gian triển khai đối với các dự án năng lượng nguyên tử trọng điểm trong thời gian tới.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Lê Quang Huy, bày tỏ cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định rõ về cơ quan pháp quy hạt nhân – một thiết chế trung tâm có vai trò giám sát, bảo đảm việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ban hành.
Đồng thời, Ủy ban cũng kiến nghị bổ sung các quy định cụ thể để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cá nhân, tổ chức trong quá trình tiến hành công việc liên quan đến bức xạ hoặc khi thành lập, vận hành các cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ.
Về thiết kế và phê duyệt công trình hạt nhân, cơ quan thẩm tra đề xuất quy định rõ rằng nếu thiết kế do phía Việt Nam thực hiện thì phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn và an ninh theo chuẩn mực quốc tế; còn nếu do nước ngoài đảm nhận, thiết kế cần phải được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định, phê duyệt. Đây là điều kiện tiên quyết nhằm phòng ngừa rủi ro, đảm bảo chất lượng và tính bền vững cho các công trình hạt nhân trong nước.
Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị bổ sung quy định rõ ràng hơn về kiểm soát chất thải phóng xạ, đặc biệt là trong các khâu lưu giữ, vận chuyển, xử lý và ứng phó khi xảy ra sự cố hạt nhân – một lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử lần này được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia theo hướng hiện đại, an toàn và bền vững. Không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, dự luật còn mở ra hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển khoa học – công nghệ, và tăng cường năng lực tự chủ về năng lượng của đất nước trong dài hạn.