UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản số 1320/ UBND-KTTH kiến nghị việc giao chủ đầu tư thực hiện các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Theo đó, văn bản đề nghị Chính phủ giao làm “Cơ quan có thẩm quyền” tổ chức thực hiện dự án thành phần di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Trước mắt, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận căn cứ dự án Di dân, tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 08/6/2015 thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng song song với cập nhật, điều chỉnh dự án Di dân tái định cư, để kịp bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư thi công trong năm 2025.”.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, Luật Đầu tư công năm 2024 quy định, cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.
Do đó, trường hợp dự án được Quốc hội cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập, nếu giao UBND tỉnh là chủ đầu tư thì Thủ tướng sẽ là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2024. Đồng thời trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án sẽ theo quy định tại luật này.
Như vậy, Thủ tướng sẽ phải thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định dự án nên thủ tục sẽ kéo dài, mất nhiều thời gian. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có điều chỉnh phải xin chủ trương và lập thủ tục trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh như khi phê duyệt dự án.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng điều này sẽ không đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm nay theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ tiếp tục đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại phiên họp thứ nhất tại Thông báo số 39 ngày 12/2 của Văn phòng Chính phủ.
Trong khi đó, nếu giao UBND tỉnh là cơ quan Có thẩm quyền thì việc tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi và chủ động triển khai thực hiện dự án thành phần di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong quá trình triển khai thực hiện lập, điều chỉnh quy hoạch; lập, thẩm định phê duyệt dự án; thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công xây dựng các dự án thành phần phục vụ các khu tái định cư nhà máy điện hạt nhật,... với yêu cầu “bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho cả 02 nhà máy điện hạt nhân, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho triển khai thực hiện đồng thời công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư song song với việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, Nghị quyết 189 của Quốc hội có ghi rõ, "tỉnh Ninh Thuận được phép triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dân, tái định cư của dự án".
Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Nhiệm vụ và dự toán lập điều chỉnh quy hoạch tỉnh; Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập điều chỉnh Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch triển khai lập Quy hoạch tỉnh với dự kiến hoàn thành thủ tục trước 30/6/2025 và trình Thủ tướng theo quy định.
Vì vậy, nếu chờ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận và các quy hoạch khác có liên quan sẽ khó đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trong năm nay như chỉ đạo của Thủ tướng.
![]() |
Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đang thị sát kiểm tra tiến độ dự án di dân, tái định cư cho người dân trong vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. |
UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu giải phóng mặt bằng 100% trong năm 2025. Theo đó, chính quyền và người dân huyện Ninh Hải đang nỗ lực hết mình để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư.
![]() |
Xã Vĩnh Hải ( huyện Ninh Hải) nơi dự kiến quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 |
Theo UBND huyện Ninh Hải, tổng diện tích thực hiện các dự án thành phần Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 khoảng 831,7ha, trong đó, diện tích thu hồi đất 454,9ha, với số hộ có đất thu hồi là 844 hộ.
Tổng số hộ tái định cư dự kiến 553 hộ.Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án khoảng 4.747 tỷ đồng.
Ngày 25/02/2025, UBND huyện Ninh Hải đã ban hành thông báo thu hồi đất với diện tích 45ha, trong đó có thu hồi 22,6ha đất của 190 hộ và 2 tổ chức.
Đến nay địa phương đã hoàn thành kiểm kê đối với 118 hộ/17,6ha và đang tiếp tục tiến hành kiểm kê 62 hộ/5ha.
Qua đó sớm thực hiện các thủ tục thu hồi đất GPMB để xây dựng hạ tầng khu tái định cư, đảm bảo đầy đủ các hạng mục thiết chế xã hội, điện, đường, trường, trạm, khu kinh doanh thương mại...
Đối với khu vực xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, ngày 27 và 28/2/2025, UBND huyện Ninh Hải đã ban hành thông báo thu hồi đất với diện tích 405ha; trong đó có 235ha đất thuộc 450 hộ gia đình và 169ha của 3 tổ chức.
Hiện nay, UBND huyện đang phát hành thông báo thu hồi đất tới các hộ dân, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê để đảm bảo kịp với tiến độ yêu cầu thực hiện dự án.
![]() |
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thăm hỏi, động viên bà con trong vùng giải tỏa của nhà máy điện hạt nhân. |
Để ổn định đời sống sản xuất của người dân vùng dự án, huyện Ninh Hải còn triển khai thực hiện khu tái định canh, bố trí đất sản xuất cho người dân với diện tích thu hồi phần đất công ích của xã đang quản lý với tổng diện tích 2,1ha và thu hồi đất 1.940m2 của 1 hộ dân để xây dựng trạm bơm tăng áp thuộc hệ thống cấp nước sinh hoạt phục vụ dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2.
Qua thực tế khảo sát tại vị trí xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 vừa qua, ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng UBND huyện Ninh Hải cần chủ động phối hợp, khẩn trương tổ chức kiểm kê, chuẩn xác toàn diện các số liệu liên quan đất đai, nhà ở, công trình xây dựng, vật kiến trúc, hoạt động dân sinh, kinh tế, cây trồng, vật nuôi... của nhân dân tại các địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận và khu tái định cư .Công việc hoàn thành trong tháng 3/2025.
Để đảm bảo cuộc sống người dân sau thu hồi đất, ngày 24/3/2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất Ninh Thuận cho biết đã cơ bản hoàn thành dự thảo phương án giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, khu tái định cư nhà máy điện hạt nhân 1 được xây dựng tại thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, có tổng diện tích 64,84ha (tăng 21,17ha so với diện tích đã phê duyệt), tổng số lô đất ở là 605. Khu tái định cư nhà máy điện hạt nhân 2 đặt tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, có tổng diện tích 45,49ha (tăng 1,84ha so với diện tích đã phê duyệt), tổng số lô đất ở là 629. Các khu tái định cư được định hướng xây dựng sát biển để phục vụ phát triển du lịch, thương mại và bảo đảm các tiêu chí đô thị du lịch.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã báo cáo và đề nghị Bộ Tài chính bố trí vốn khoảng 12.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Dự kiến sau khi hoàn thiện trình tự thủ tục, khu tái định cư sẽ được xây dựng hoàn thành từ 29/7 đến 26/12. Hiện đơn vị này cũng đã dự trù nguồn vật liệu đất đắp đối với hai khu tái định cư vào khoảng hơn 1,5 triệu m3. Trong đó, đất cấp phối thiên nhiên khoảng hơn 540.000m3 và đất đắp nền hơn 1 triệu m3.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, tổng công suất khoảng 4.600 MW. Nhà máy điện hạt nhân 1 có công suất khoảng 2.400 MW, nhà máy điện hạt nhân 2 có công suất khoảng 2.200 MW.