Sáng ngày 5/5/2025, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025. Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động khó lường, Chính phủ Việt Nam vẫn giữ vững quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, đồng thời tổ chức hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh TNO |
Năm 2024, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,09%, cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 toàn cầu. GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Đáng chú ý, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Chỉ tiêu tăng năng suất lao động lần đầu tiên vượt kế hoạch sau ba năm liên tiếp không đạt. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%, thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, nâng quy mô nền kinh tế lên trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người vượt 5.000 USD. Đây là bước đệm quan trọng để hướng tới tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng.
Theo Thủ tướng, đầu năm nay, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán. Thủ tướng cũng cho hay, ngày 7.5 sẽ đàm phán phiên đầu tiên với Mỹ.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và thách thức: Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; Sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi từ chính sách thuế quan mới của Mỹ; Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tồn tại.
Để khắc phục, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.
Chính phủ xác định các giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng:
Thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt là “bộ tứ chiến lược” gồm Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân.
Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong.
Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết và chi phí thủ tục hành chính.
Hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”.
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau, khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn Vinh - Thanh Thủy); cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và cảng Hòn Khoai.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và toàn dân. Với những giải pháp đồng bộ về thể chế, hạ tầng, khoa học công nghệ và cải cách hành chính, Việt Nam đang từng bước vượt qua thách thức, hướng tới một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng.