Trong tương lai, Việt Nam có thể là một phần trong chiến lược thương mại của Mỹ. Các động thái của Tổng thống Donald Trump phần nào phản ánh mục tiêu điều chỉnh cán cân thương mại không chỉ giữa Mỹ và Việt Nam, mà còn với các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc.
Việt Nam khó nằm ngoài “cuộc chơi”
Ngày 06/02/2025, Công ty Chứng khoán SSI đã tổ chức chương trình đối thoại Gateway to Vietnam với chủ đề "Chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump", nhằm mang đến cái nhìn toàn diện về tác động của các chính sách thuế quan mới, đồng thời giúp nhà đầu tư nắm bắt xu hướng thị trường và tìm kiếm giải pháp thích ứng hiệu quả.
Nhận định về cơ hội và thách thức từ chính sách thuế của Mỹ đối với Việt Nam, ông Frank Kelly, người sáng lập và đối tác quản lý tại Fulcrum Macro, cho biết xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 120 tỷ USD năm 2024. Chúng ta nhìn thấy rất rõ thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có tín hiệu rõ ràng gì của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Việt Nam, nhất là trong việc ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể ra sao.
Trong tương lai, Việt Nam có thể là một phần trong chiến lược thương mại của Mỹ. Các động thái của Tổng thống Donald Trump phần nào phản ánh mục tiêu điều chỉnh cán cân thương mại không chỉ giữa Mỹ và Việt Nam, mà còn với các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc.
“Họ nhìn thấy rất nhiều câu chuyện nhà đầu tư, nhà máy đổ sang Việt Nam và chính quyền Tổng thống Donald Trump không muốn điều đó xảy ra, họ có thể tính đến khả năng hướng tới xây dựng mối quan hệ thực sự phải là của Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là từ Trung Quốc qua Việt Nam, kể cả như Ấn Độ cũng vậy”, ông Frank Kelly nhấn mạnh. |
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố gần đây cho thấy, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ trong tháng 12/2024 tăng gần 25% so với tháng trước, lên mức 98,4 tỷ USD. Điều này khiến mức thâm hụt cả năm 2024 đạt 918,4 tỷ USD, đây là mức cao thứ hai trong dữ liệu ghi nhận từ năm 1960 của quốc gia này.
Cuối năm 2024, Mỹ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nhập khẩu, bao gồm cả việc gia tăng nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp, có thể phản ánh nỗ lực của các công ty Mỹ trong việc chuẩn bị sản phẩm trước các mức thuế của ông Donald Trump. Thêm vào đó, nhiều nhà nhập khẩu hy vọng có thể giảm thiểu sự gián đoạn từ cuộc đình công tiềm tàng của công nhân bến cảng đã được ngừng lại vào tháng trước.
Các số liệu thương mại hàng tháng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn về cả mặt kinh tế lẫn địa chính trị, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng thuế quan để thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường an ninh quốc gia và điều chỉnh các chính sách thương mại mà họ cho là không công bằng. Chỉ vài tuần sau khi ông Donald Trump nhậm chức, các biện pháp này đã ảnh hưởng đến những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Theo đánh giá của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI, chính sách thuế của Mỹ có thể tác động mạnh đến Việt Nam, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn. Việt Nam không thể tách biệt khỏi các nền kinh tế lớn mà phải tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam đang ở trong một bối cảnh thuận lợi khi gia tăng kết nối quốc tế và hợp tác với các quốc gia lớn, như Mỹ và Trung Quốc.
Theo một khảo sát từ Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), có khoảng 500 công ty Nhật Bản đã rời Trung Quốc, trong đó có khoảng 200 công ty chuyển sang Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn thấy cơ hội và tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến thương mại toàn cầu, thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài. Dự báo từ 2025 đến 2028, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, điều này nhận được phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư là điều dễ hiểu. Trước tình hình này, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng cơ hội này và duy trì sự ổn định để đáp ứng các thách thức trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng lưu ý, mục tiêu tăng trưởng 02 con số đối với Việt Nam là thách thức và cần tận dụng nhanh. Vì Việt Nam chỉ còn 10 năm nữa là qua ngưỡng dân số vàng, cơ hội tranh thủ lao động vàng đang hẹp dần, nên cần tăng tốc. Chính phủ cũng đã nhận thấy điều này nên đang sắp xếp bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả. |
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang có những chuyển biến quan trọng, ngành chứng khoán cũng đang tập trung mạnh mẽ vào việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Còn ông Thomas Nguyễn, Giám đốc Thị trường Toàn cầu Công ty Chứng khoán SSI nhận định, nhìn vào tình hình của Việt Nam trong năm 2025, có thể kỳ vọng vào những thay đổi rõ rệt trong các chính sách và chiến lược phát triển của đất nước, bao gồm cải cách và thực thi các quốc sách lớn, cũng như tăng cường hệ thống quản lý quốc gia để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững.
Năm 2025, sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Đây không chỉ là dự đoán mà là dựa trên thực tế, khi Việt Nam tiếp tục phát triển và thích ứng với các yếu tố toàn cầu. Điều này sẽ tạo tiền đề cho những bước phát triển vững chắc trong tương lai.
Theo bà Eva Huan Yi, Kinh tế trưởng tại Huatai Securities (USA), cần chú ý đến tỷ giá của các đồng tiền trong bối cảnh đồng USD đang mạnh lên, vì nó sẽ làm gia tăng lạm phát tại các quốc gia khác.
Câu chuyện tác động từ việc tăng giá của đồng USD đã ảnh hưởng rất lớn tới đồng đô la Hồng Kông khi neo vào đồng USD, và bị dẫn dắt bởi chính sách tiền tệ của Mỹ. Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã phải mua vào một lượng lớn tiền mặt nhằm duy trì tỷ giá cố định với đồng bạc xanh. Mặc dù vậy, lãi suất của Mỹ lại là động lực chính gây áp lực lên đồng tiền của Hồng Kông (Trung Quốc). Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất một cách mạnh mẽ đã khuyến khích các nhà giao dịch tham gia vào cái được gọi là “giao dịch linh hoạt” (carry trade), vay HKD và sử dụng chúng để mua tài sản bằng USD với lãi suất cao hơn.
Theo đó, bà Eva Yi cho rằng trong bối cảnh tỷ giá đồng USD/VND đang tăng lên, luôn phải quan sát biến động này, vì nó liên quan đến xuất nhập khẩu. Giá trị đồng USD đang gia tăng, dẫn tới ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh chịu thuế mới của chính quyền Trump. Cần phải nhìn thấy rõ sẽ có nhiều chính sách mới nữa được đưa ra. Chi phí có thể gia tăng, có thể bị ảnh hưởng bởi đồng USD tăng giá.
Một thí dụ mới nhất khiến cho đồng USD tăng giá đối với đồng tiền Canada và đồng tiền Mexico, đó là chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% đối với hàng hóa của 02 quốc gia này.
Ngoài ra, áp dụng biện pháp thuế quan cũng có mục tiêu nữa là tái cân bằng thương mại với các quốc gia khác của Mỹ, trong đó có Trung Quốc. Hiện nay, các bộ ngành của Trung Quốc cũng đang bàn bạc đưa ra chính sách ứng phó với các chính sách của chính quyền ông Donald Trump.